Tôi ngoan ngoãn nghe lời, cắp cặp tới báo mạng làm nhân viên văn phòng, tuần sáu buổi, chín giờ sáng đến chín giờ tối. Tháng chín khai giảng, Minh Vũ quay lại Bắc Kinh tiếp tục chương trình học, nhưng Niệm Từ vẫn chưa từ Mỹ về.
Cơn khủng hoảng tài chính khổng lồ càn quét khắp toàn cầu, ngân hàng nơi Niệm Từ làm việc nỗ lực cơ cấu lại từ bên trong, thành công rẽ gió kéo mây.
Đợi tới khi Giáng sinh ngấp nghé ngoài cửa, giám đốc Chung xách vali trở về, thì tập đoàn đã chuẩn bị sẵn cho cậu ấy một phòng làm việc riêng biệt lập ở tầng cao toà tháp văn phòng chọc trời nằm ngay trên mảnh đất vàng của thủ đô.
Tôi hết ca làm chạy đến công ty cậu ấy, toan trải nghiệm thử cảm giác người thành công bước chân lên cầu vồng, song đập vào mắt tôi là cảnh toà tháp sáng trưng ánh đèn chẳng khác gì ban ngày, bên trong người trẻ tới lui như mắc cửi.
Niệm Từ gầy rộc hẳn, bộ đồ Tây trên người giờ trông như oversize, nhưng từ lúc về nước cậu ấy vẫn chưa có thời gian đi mua đồ mới. Chỉ có gương mặt là vẫn trang điểm chỉn chu, tóc búi, gõ giày cao gót lộp cộp, trông vẻ hết sức bình thản.
Tôi làm culi cho báo mạng, xin về sớm cũng phải 8 giờ tối mới ra được, từ Tây Tứ Hoàn lên xe bus tới trạm tàu điện bắt tàu xong lại đổi tàu, lết hết line tàu Trục Chính tới chỗ văn phòng cậu ấy thì đã là mười rưỡi tối, thế nhưng lại giống như lọt vào một múi giờ khác hẳn.
“Mọi người không ai về hết à?” Tôi nhìn các nhân vật tinh anh đang cắm cúi qua lại ngoài cửa kính.
“Làm không hết việc thì ở lại tăng ca, cũng có người ở lại theo dõi tình hình cổ phiếu Mỹ, dù gì có về cũng ôm máy tính…” Niệm Từ đang nói dở thì bắt điện thoại. Cậu ấy lưu loát trả giá bằng tiếng Anh với người ở đầu dây bên kia, người thả lỏng, nói cười như gió thổi qua tai, nào ai ngờ bên đầu này cậu ấy vừa sút văng đôi giày cao gót, bàn làm việc để một đĩa thạch đậu đỏ, nhìn qua khó mà nghĩ đây là cô gái trẻ hàng ngày điều động mấy chục cả trăm triệu tệ đầu tư.
Năm ấy mảng tài chính trải qua một cuộc thay máu lớn, bao nhiêu tường thành sụp đổ, thế nhưng cũng có không nhiều những con người may mắn đã nắm bắt được cơ hội giữa nguy cơ.
Từ khi thực tập vào làm đến giờ chỉ mới một năm hơn, ở giữa cơn lốc xoáy tài chính toàn thế giới, Niệm Từ đã nhanh nhạy đưa ra được những quyết định đúng đắn, mỗi bước đi đều cực kì chuẩn xác, giảm thiểu rủi to, tối ưu hoá lợi ích, giữ chặt lấy cơ hội ngàn năm có một.
Cô thiếu nữ thông minh dần dần để lộ ra dáng vẻ thật sự vốn luôn ẩn sau lớp vỏ kiếm, ánh thép sắc đanh có thể chặt vàng, cắt ngọc, khiến người ta dù đứng trước nụ cười dịu dàng niềm nở của cậu ấy cũng chẳng dám hợm mình xem thường.
Trong số người có sự nghiệp dần ổn định còn có Khâu Hàng.
Tháng năm năm sau đó, lúc mây mùa hạ bảng lảng tan ra trên nền trời, “Nhân gian hoan hỉ” chính thức ra rạp, được đông đảo khán giả đón nhận. Khâu Hàng nhảy vọt lên ngồi vững chiếc ghế hàng đầu trong loạt tiểu sinh thực lực.
Cậu ấy đi quay phim về, biết chuyện tôi đổi chỗ làm bèn hỏi tôi mấy lần là có liên quan gì đến bìa tạp chí lần đó không, tôi vẫn bảo không. Đại minh tinh cũng không gạn hỏi tiếp, nhưng về sau tôi toàn được chỉ định đi tham dự tất cả các hoạt động truyền thông tuyên truyền liên quan tới bộ phim. Ngoài việc kiếm được một mớ kha khá phí viết bài PR, còn có thể liên tục tiếp xúc với các đồng nghiệp bên mảng giải trí của các công ty truyền thông lớn, còn được mời viết bài viết thường kỳ trong mục văn hoá trên một tạp chí thời trang, thế là mỗi tháng lại có thêm một nguồn thu nhập nhất định.
Trong lúc tham gia tuyên truyền phim điện ảnh, tôi lại gặp cái người đã ở Bắc Kinh một năm hơn nhưng hầu như chẳng thấy được mặt mũi là Trang Viễn. Cậu ấy làm việc trong một quỹ văn hoá là bên đầu tư lớn nhất cho phim, đến tham dự tiệc mừng với vai trò đại biểu.
Hai bọn tôi lúc gặp mặt bèn đưa mắt nhìn nhau, xong nhìn Khâu Hàng đang đứng trên sân khấu, cùng bật cười.
Khâu Hàng không biết có bao nhiêu người đã bỏ sức vì bộ phim điện ảnh của cậu ấy, chúng tôi cũng không cần cậu ấy biết làm gì.
Sau buổi lễ mừng công, tôi bị Khâu Hàng túm ở lại tham gia tiệc tối. Vừa ngồi vào bàn thì biết ngay, bữa tiệc này bảo là cảm ơn anh chị em nhà báo chứ thực ra là kéo quan hệ cho tôi. Nguyên bàn ngồi toàn là những chủ biên mảng giải trí mà Nhạc Hoan Doanh kết thân được, chỉ có mỗi mình tôi là người mới tốt nghiệp còn chưa tới một năm. Thật là một buổi “phỏng vấn” gượng gạo siêu phàm, còn ngượng hơn cả mấy lần xem mắt bị ba mẹ bắt đi. Tôi như ngồi trên đống lửa, may mà Khâu Hàng mau lẹ xuất hiện, còn tự mình đốc thúc tôi trao đổi cách thức liên lạc với các vị tiền bối, xong nói là mong mọi người có cơ hội thì cùng nhau hợp tác.
Nhưng hắn nói dứt lại phải chạy sô qua bàn khác, thế là tôi lập tức biến thành đối tượng thu hút chú ý của cả bàn. Có người bảo: “Hoàng Doanh Tử, tên nghe quen quen nhỉ.”
“Không phải là cái bạn người mới năm ngoái nổi ơi là nổi bên “Kinh Khách” ấy à?”
Ở bên có một vị mặt mày đỏ gay, vừa nhìn biết ngay ông chú này uống hơi bị ghê. Vị ấy ngoái sang nhìn tôi, “Là cô em phóng viên viết nghiên cứu văn hoá mà cả Triệu Khách cũng không giữ chân được đúng không?”
… Chuyện này nổi tiếng trong giới thế cơ á.
“Thì ra là bạn bè với đại minh tinh nhà mình.”
“Chả trách cả chức chủ bút mảng văn hoá của Kinh Khách cũng chẳng màng.” Tôi có phải không muốn đâu…
Có người phụt ra cười: “Cái tính khó ưa của Triệu Khách đòi giữ được ai?” Đâu có liên quan đến tính tình gì…
“Nghe bảo nhà em khá có máu mặt ở đài truyền hình, đúng là chả cần phải chịu nhún ở chỗ Triệu Khách.” Tôi hoảng hồn vội đính chính: “Không, không phải đâu, nhà em chẳng có máu mặt gì cả.”
Lập tức có người gật đầu đồng tình: “Đúng rồi ấy, tôi nghe ba của của cô bé là giám đốc của Đông Thế, nhà họ thân thiết nhiều đời với bên sếp Giang cơ.” Sếp Giang? Sếp Giang nào cơ? Không phải vị sếp to cầm trịch đài Đông Phương đấy chứ…
“Không, không phải ạ! Cả nhà em không có ai quen sếp Giang, cũng không quen ai bên đài Đông Phương cả.”
“Ồ! Ra là con em của lãnh đạo bộ văn hoá.”
Còn sai tuốt hơn!
Tôi có trăm cái miệng cũng khó cãi, điện thoại vừa lúc ấy réo vang, đành luống cuống nói nốt câu: “Mấy chuyện đồn đại đều là giả hết ạ, nhà em không có ai làm mảng văn hoá.” Xong vội vã chào mọi người rồi trốn ra khỏi sảnh tiệc.
Tôi kềm xuống cảm giác khó chịu không rõ lý do, chợt nghĩ tới lời Tăng Nguyên từng bảo về chuyện người mới mà nổi bật, đặc biệt còn là nữ, sẽ bị người ta săm soi đủ điều thế nào, hoá ra thật sự kinh khiếp như thế này.
Tuy bọn họ cũng chẳng có ác ý, thế nhưng chuyện thêu dệt đủ thứ về năng lực của người khác có lẽ thật sự đâu đâu cũng gặp.
Điện thoại là từ hai vị phụ huynh chả phải sếp to cũng không hề có máu mặt gì của tôi gọi tới, ba hỏi thăm tôi rối rít cả một hồi, mới đổi sang cho mẹ tôi hỏi: “Gần đây con ở Bắc Kinh có gặp Trang Viễn không? Mẹ bạn con về lại xí nghiệp rồi, vừa dọn nhà xong, hồi chiều mẹ gặp, cô ấy nói Trang Viễn có kể là đã gặp con vài lần.”
“Ai, phải, hôm nay tụi con còn cùng tham gia một chương trình, nhưng mà giờ chắc cậu ấy về mất rồi.”
Tôi muốn chuồn thẳng cho xong, nhưng lại thấy nên chào hỏi một tiếng, trong lúc do dự thì chân đã tự động bước xuống lầu.
Mẹ tôi nghĩ một thoáng, nói: “Giờ mẹ mới biết, mẹ bạn con hồi xưa vội vã xin nghỉ không lương là để đi Mỹ chăm sóc cho ba bạn con, Trang Viễn vì chuyện này mới làm thủ tục di cư. Mẹ bạn con không nói mấy, nhưng nghĩ lại lúc ấy chắc là nguy kịch lắm, may là hơn năm nay ông ấy cũng dần dần hồi phục.”
Tôi sững sờ, thì ra hồi ấy Trang Viễn về nước chào từ biệt là vừa mới trải qua bao sóng gió như vậy. Nhưng ngẫm lại thì lại thấy có gì đó không đúng, Trang Viễn năm đó quá mức bình tĩnh, không tài nào nhìn ra nổi là cậu ấy đang bước qua ngưỡng cửa khó khăn trong cuộc đời.
“Lúc đó cậu ấy về từ biệt con không kể mấy chuyện ấy, sau đó thì mất hút luôn, chẳng nghe tin tức…”
“Thằng bé từ nhỏ đã cô đơn một mình, tụi con có thời gian thì liên lạc nhau, ngó chừng cho nhau.” Mẹ tôi thở dài, “Nói chuyện cũng phải chú ý, đừng để bạn con buồn.”
Tôi vâng dạ, đang định cúp máy, tự nhiên nghe từ phía xa có thứ gì vỡ giòn tan vang lên. Ngay liền đó là giọng ai nghe rất quen cất tiếng nói. Tôi nhìn sang, bèn thấy ngay cảnh một thanh niên trẻ đương cấp tập kéo hai người trong trận ẩu đả ra, tay áo cậu ấy bị bình hoa vừa vỡ khi nãy rạch một đường.
Tôi ngoái hẳn lại, đó là Trang Viễn.
=========