ối muộn, Yến Khinh Nam và Giản Đông ra ngoài thuê phòng ở.
Ban đầu hai người không ai muốn đi, nhưng Thẩm Cảnh Viễn cần được nghỉ ngơi thật tốt.
Nếu cả hai đều ở đây chắc chắn y sẽ không ngủ được.
Trước khi đi Giản Đông tán gẫu linh tinh với Thẩm Cảnh Viễn, nhưng chỉ toàn nói mấy chuyện vui.
Trò chuyện với nhau được ít lâu, anh ta nói mình ra ngoài hút điếu thuốc, cốt yếu là chừa không gian cho hai người.
Yến Khinh Nam ngồi xuống cạnh giường, nắm lấy tay Thẩm Cảnh Viễn, hỏi y: “Căng thẳng không?”
Thẩm Cảnh Viễn lắc đầu, mỉm cười: “Không căng thẳng.”
Miệng nói không căng thẳng, thế mà cơ thể y cuộn tròn lại, vùi vào người Yến Khinh Nam.
Anh nắm tay y, vết xanh tím trên tay đã tan bớt nhờ ngày nào cũng đều đặn xoa chườm.
Vì thường nắm tay y, Yến Khinh Nam đã trở nên quen thuộc vô cùng, từng khớp xương dài ngắn ra sao cũng gần như thuộc rõ.
Giờ phút này có rất nhiều điều muốn nói, nhưng lại chẳng thốt lên được lời nào.
Điều duy nhất muốn làm là bầu bạn cùng nhau.
Hai người tay nắm tay, cứ thế ngồi đến tận khi Yến Khinh Nam phải rời phòng bệnh.
Anh ôm lấy gáy Thẩm Cảnh Viễn hôn y trong giây lát, trán cụng trán, chóp mũi vấn vương chóp mũi.
“Anh yêu em.” Yến Khinh Nam nói với Thẩm Cảnh Viễn.
Y ôm anh, dụi đầu vào vai anh cắn một cái thật mạnh, đến khi răng môi nếm được mùi máu mới chịu buông.
“Em cũng yêu anh.”
Giản Đông đứng ngoài hành lang chờ anh.
Yến Khinh Nam vỗ vỗ vai anh ta, dẫn anh ta theo cùng.
Cả hai không ai ngủ được, tấp vào cửa hàng tiện lợi hai tư giờ mua hai lon bia ngồi uống ở hàng ghế dài bên đường.
Giản Đông khui một lon đưa cho Yến Khinh Nam, anh đưa tay nói cảm ơn.
“Anh Nam, sao anh làm được?” Giản Đông nhấp một hớp bia, hít hà một hơi.
Không phải do cồn rượu cay xè, rượu họ thường uống nồng hơn loại này gấp mấy lần.
Chỉ là trong lòng Giản Đông có thứ ứ nghẹn lại không có đường ra.
“Anh cũng không khá hơn cậu được đến đâu.” Yến Khinh Nam đưa mắt nhìn ra xa, “Nhưng đây là lựa chọn của Tiểu Viễn…”
“Anh Nam, biết em sao mà thông được không?” Giản Đông cúi gằm đầu, “Nếu có một ngày buộc phải diễn ra như vậy, em hy vọng anh Thẩm sẽ ra đi theo cách mà cậu ấy muốn.”
Sáng sớm hôm sau hai người đến bệnh viện, lúc tới nơi bác sĩ đang làm kiểm tra trong phòng bệnh, hai người đợi ngoài cửa một lát mới đi vào.
Yến Khinh Nam kéo rèm cửa ra trước, ánh nắng ngoài trời rải chiếu đầy khắp ban công.
Giản Đông và Yến Khinh Nam ngồi cạnh giường cùng y.
Ba người còn nhờ điều dưỡng chụp giúp một tấm hình vào điện thoại Thẩm Cảnh Viễn, y cứ mải mê cúi đầu ngắm suốt.
Yến Khinh Nam thay cho y bộ đồ bệnh nhân mới, hương xà phòng rất giống với mùi sữa tắm cả hai vẫn dùng.
Thẩm Cảnh Viễn nằm trên giường bệnh mỉm cười, kéo tay Giản Đông rồi lại cầm tay Yến Khinh Nam, nói với hai người họ: “Cảm ơn mọi người.”
Yến Khinh Nam khom lưng, dịu dàng hôn lên gò má y, khép mắt kề sát bên y.
“Cục cưng của anh sẽ thật may mắn.”
Hai giờ chiều, Thẩm Cảnh Viễn được đưa vào phòng phẫu thuật.
Yến Khinh Nam và Giản Đông ngồi đối diện nhau trên dãy ghế ngoài cửa ra vào.
Nếu không có gì bất ngờ diễn ra, ca phẫu thuật sẽ kết thúc trong vòng năm tiếng đồng hồ.
Ngồi chưa đầy nửa tiếng, Giản Đông đã nói mình không chịu được, đứng dậy nói với Yến Khinh Nam: “Em ra ngoài một lát, có chuyện gì thì gọi cho em.”
Yến Khinh Nam nhẹ gật đầu.
Giản Đông đi rồi, anh lấy lá thư Thẩm Cảnh Viễn đưa cho mình ra.
Phong thư xem chừng không bao lớn, nhưng xấp giấy gấp bên trong lại dày cộm.
Dòng đầu tiên đề hai chữ anh Nam, nét bút sắc như dao, quả thật đậm vẻ gãy gọn của con người Thẩm Cảnh Viễn.
Hành lang vắng tanh chỉ có mình Yến Khinh Nam.
Anh một tay cầm giấy viết thư, tay còn lại chống cằm nghiêm túc đọc.
“Lúc anh đọc bức thư này chắc hẳn em cũng đang phẫu thuật.
Viết mấy dòng này nhằm mục đích trải qua năm tiếng đồng hồ này cùng anh.
Thứ nhất, em muốn kể cho anh nghe ngày bé em thế nào.
Trong ấn tượng của em, hình như em chưa từng kể chuyện này cho anh nghe bao giờ.
Em cảm thấy hơi kỳ lạ, sao mà chưa từng đề cập qua được chứ.
Nên là bây giờ chúng ta nói với nhau chuyện này nhé.
Trước đây em từng nghe một câu nói, rằng từ năm sáu tuổi con người mới bắt đầu có ký ức, mà bố mẹ em qua đời vào mùa hè năm em ba tuổi, nên em thật sự chẳng có chút ký ức nào về hai người họ cả.
Cơ mà đến giờ em vẫn còn giữ một tấm hình của bố mẹ em.
Người ta nói hai người trong bức ảnh đó chính là bố mẹ em, không có em chụp cùng.
Nhìn hình em thấy bố rất điển trai còn mẹ thì rất đẹp, nếu em chưa từng thấy bức hình này, có ngày thật sự được gặp họ chắc chắn em không nhận ra đâu.
Ký ức của em bắt đầu với tháng ngày trưởng thành ở trại mồ côi nhà nước chung với rất nhiều đứa trẻ khác.
Mấy cô dì đối xử rất tốt với em thay đổi nhiều lần, nên cuối cùng khi em đi, trong đầu cũng không còn ấn tượng gì, mà chuyện ở trường thì em nhớ được nhiều hơn một chút.
Hồi tiểu học em trăm phần trăm thuộc kiểu học sinh ngoan.
Thầy cô giáo nói em làm gì em sẽ làm nấy, em còn là lớp trưởng nữa, đồng thời kiêm đại diện của rất nhiều bộ môn khác.
Anh nói xem hồi đó em tìm đâu ra nhiều sức để làm lắm chuyện như vậy nhỉ?
Đến tận bây giờ em vẫn còn nhớ rất rõ một người bạn cùng lớp, là bạn nam, ngày đó rất thích gây khó dễ nói chuyện em không có bố mẹ ra, nếu là thời đại bây giờ thế này chắc phải xem như bạo lực học đường.
Mà lúc đó em ngơ ngơ không màng, vậy mà thấy không có gì thật, nói cứ nói thôi, nói thì kiểm tra em vẫn đứng hạng nhất.
Chỉ có khi họp phụ huynh đúng là hơi khó chịu thật.
Nói tới đây trong đầu em lại xuất hiện cảnh tượng, đó là buổi học thể dục trước giờ họp phụ huynh, hôm ấy phải chạy rất nhiều vòng, còn đang trong mùa hè, mặt trời rất chói chang.
Người em đầm đìa mồ hôi, chạy về phòng học là muốn uống nước ngay, kết quả hôm đó trong lớp không có nước, rất nhiều phụ huynh đứng ngoài cửa ra vào mua nước cho con mình uống.
Khi đó em mệt quá chừng luôn, căn tin thì xa ơi là xa, em khát nước quá, khát tới độ cổ họng thấy khó chịu.
Giây lát đó em cực kỳ cực kỳ muốn òa khóc, đương nhiên có khả năng em ch ảy nước mắt thật mà em không nhớ rõ.
Cảm thấy có bố mẹ thật tốt, chỉ trong chớp mắt đó mà thôi.
Nhiều khi chỉ nói thế nhiều người sẽ thấy lúc bé em thật đáng thương.
Nhưng thực tế em nghĩ mình rất ổn, lòng ôm nỗi ngột ngạt kiềm nén, vì chỉ có một thân một mình nên cố gắng hơn bất kỳ ai khác.
Đương nhiên hồi bé em cũng nghịch lắm, em không nghĩ mình ghét chơi với tụi con trai tầm tuổi đó.
Trường ngày xưa không mới và đẹp như bây giờ, sân thể dục còn lồi lõm, mùa hè trời mưa sẽ đạp nước chơi.
Có đôi khi em sẽ chơi đập hình với đám con trai cùng lớp, một nhóm tụm lại ngồi xổm xuống đất đập hình, ai đập trúng thì ăn.
Mà hơn nửa trong tụi nó chơi xấu, em nhớ mình cho tụi nó nợ không biết là bao nhiêu tấm hình.
Còn cái này nữa, à, nói ra anh đừng giận đó nha.
Thời tiểu học nhiều bạn nữ tỏ tình với em cực, ngày xưa tỏ tình đơn giản lắm, mà em cứ lơ ngơ mơ mơ màng màng, chẳng qua nghĩ có người thích mình hình như là một chuyện rất đáng tự hào.
Em không có phòng riêng, trong trại trẻ mồ côi mọi người ở chung với nhau, càng bé lại càng ở đông, sau này lớn lên sẽ đổi phòng.
Chỗ duy nhất em cất đồ được chỉ có cái tủ đầu giường, tất cả có ba ngăn, hai ngăn là hộc kéo bình thường, còn một ngăn to là tủ quần áo, em thích nhất cái tủ quần áo đó.
Ngày bé em rất hay ấm ức vì vài chuyện vụn vặt.
Lần nọ em kiểm tra được điểm tối đa, nhưng đêm trước đó em vừa hay hỏi giáo viên một dạng đề tương tự, có bạn biết đã nói giáo viên cho em xem đề.
Em giải thích mà mấy người đó không tin, rồi cãi nhau.
Ầm ĩ đã xong em không nói nổi câu nào, vừa mở miệng đã nghẹn ngào muốn khóc, xót tới độ cổ họng ắng nghẹn lại.
Hôm đó em về trại trẻ mồ côi, nửa đêm mọi người đều đã ngủ hết, em nằm nghĩ vẫn thấy mình oan uổng quá, thế là trốn tịt trong tủ quần áo.
Em cũng cất cả ảnh bố mẹ trong tủ nữa, mỗi lần khóc sẽ lại lấy ra xem, giống như bố mẹ đang ở bên cạnh em vậy.
Có phải người có bố có mẹ những lúc như vậy sẽ không ấm ức đến ngần ấy không? Họ sẽ an ủi dỗ dành con mình phải không? Em nghĩ về mấy chuyện này sẽ thấy khá hơn một chút, cắn răng khóc nhỏ tiếng đi.
Nghĩ thế thì hình như tuổi thơ em không tính là hạnh phúc nhỉ.
Nhưng thật may rằng em vẫn luôn biết một điều, mọi người ở bên mình rất tốt, thầy cô giáo, các cô dì ở trại trẻ ai cũng khá thích em, em cũng không thấy mình có sao.
Những khi không vượt qua nổi không hề cảm thấy mình sẽ không vượt qua nổi, em cho rằng đó là điều rất may mắn.”
Yến Khinh Nam đọc xong tờ giấy đầu tiên.
Anh nở nụ cười, lại đưa tay che kín mặt mình, khóe mắt hơi thấm ướt.
Anh gấp tờ giấy ấy lại đặt sang bên cạnh, lấy tờ tiếp theo ra.
“Tờ thứ hai nói gì đây ta? Chuyện thời trung học chứ còn gì nữa?
Những năm cấp ba em ở kí túc xá trường, chung phòng có ba bạn nam khác ở bán trú, nghĩa là mấy người họ chỉ ở lại trường buổi trưa, tối sẽ về nhà, nên đêm chỉ có một mình em trong phòng.
Mà trường em quản lý nghiêm, quy định giờ tắt đèn đi ngủ hẳn hoi nên em ngủ rất sớm, cũng chẳng sợ hãi gì, trái lại còn thấy rất tự do.
Mấy bạn khác không tắm kịp còn chạy sang chỗ em ké nước nóng, lúc đó quan hệ giữa em với đám con trai cũng khá ổn.
Phải rồi, em phát hiện là mình thích con trai vào khoảng thời gian này.
Anh biết đó, thời cấp ba nhiều đứa con trai chia sẻ cho nhau xem mấy cái video kia kia.
Có đợt em vào phòng trốn trong chăn lén xem, nhưng mà thật sự, hoàn toàn chẳng có tí cảm giác nào.
Em sợ luôn, nghĩ mình thôi hỏng rồi.
Ai cha, nói tới đây anh đừng cười em biết chưa.
Sau đó vì thích chơi bóng rổ mà trên sân bóng nhiều bạn hay vén áo lên lau mồ hôi, trong đội em có một bạn gầy gầy yếu ớt, cậu ấy cũng làm thế, em thấy eo người ta, trong chớp mắt đó đã bị tác động rất khủng khiếp.
Em thật sự không thích bạn kia đâu! Chỉ là nhận ra rất nhiều điều, em tự cho mình là bất bình thường thật.
Thành tích học tập của em đó giờ rất khá, tương đối tin vào khoa học nên lên mạng tìm tòi đọc cả đống tư liệu, mới nhận ra xu hướng tính dục của bản thân.
Nên là bây giờ anh biết vì sao em thích anh mặc đồ chơi bóng rổ thế chưa? Thấy anh em lại nghĩ về tuổi thanh xuân năm cấp ba, những phỏng đoán đầu tiên về tình cảm và tình d*c thuở ban sơ cất chứa nơi đáy lòng em, tất cả nằm gọn trong quãng thời gian ấy.
Cơ mà tới đây em phải xen ngang một câu, anh trong giao diện trẻ trung thật sự rất rất đẹp trai ý, eo hông của anh em đỉnh thật.”
Đọc đến đoạn này, Yến Khinh Nam chợt nghĩ về vài lần ôm Thẩm Cảnh Viễn, y sẽ dựa vào ngực mình, điều y thích làm nhất là di miết đầu ngón tay lên bụng dưới mình.
Hành động chứa đầy ẩn ý d*c vọng này mọi tên đàn ông đều hiểu.
Yến Khinh Nam cứ luôn vì thế mà gọi y là bé bi3n thái.
Lần dẫn y tới trường học đó hai người chơi bóng xong về nhà làm thế kia, biểu hiện của Thẩm Cảnh Viễn đúng thật khác thường.
Thì ra vì vậy.
Yến Khinh Nam vò tóc mình.
“Cấp ba đại khái là như thế? Giai đoạn ấy con người bị ràng buộc bởi những giấc mơ, trừ chuyện kha khá mới lạ ấy ra em không còn nghĩ gì khác nữa, chú tâm muốn học một trường đại học tốt thôi.
Mà học ngành nào, đến tận khi điền giấy nguyện vọng em mới suy nghĩ nghiêm túc.
Sức học của em tốt nên muốn điền trường giỏi chuyên ngành tốt một tí.
Thời đó học giỏi hay thi vào sư phạm với luật nhiều, nhưng em muốn kiếm tiền nên học tài chính.
Cái tên ngành này liên quan đến tiền thế cơ mà, chẳng lẽ học ra không kiếm được tiền chắc? Em ôm suy nghĩ đó mà điền nguyện vọng.
Kỳ thi tốt nghiệp diễn ra xem như thuận lợi, nhưng lòng em biết sự thuận lợi này do chính sự cố gắng của em đổi chác lấy.
Thuở ấy em học hành không biết ngày đêm.
Phòng ký túc chỉ có mình em, không làm ảnh hưởng tới ai được.
Em dậy lúc năm giờ hai mươi mỗi sáng, trời mùa hạ tầm sáu giờ đã sáng rõ, lúc chưa bật đèn em sẽ nhẩm làm toán trong đầu, học thuộc các dạng tương tự trước khi đi ngủ, trời sáng hẳn hoặc lúc bật đèn rồi em sẽ cầm giấy tới cạnh giường làm bài hoặc học tiếng Anh.
Tới lúc nhà ăn gần mở cửa, em sẽ chạy đi mua ba cái bánh bao vừa đi vừa ăn.
Mới đầu nhà trường không cho phép chuyện này, không được mang đồ ăn vào phòng học, nhưng em đến sớm, ai hơi đâu quản lý.
Tiền sinh hoạt của em giai đoạn này đều do nhà nước trợ cấp, một phần là học bổng của trường, chẳng được bao nhiêu tiền, chỉ đủ ăn mấy bữa cơm với mua vài bộ quần áo.
Em chi tiêu dè sẻn lắm, nhất là chuyện cơm canh, mấy thứ như bánh bao chỉ toàn ăn chay, nhân chay cũng có khác gì bánh bao nhân thịt, dù sao ăn vẫn no bụng.
Ý niệm lớn nhất của em thời gian ấy là lên được đại học, học được đại học tốt sẽ có tiền, trả qua cuộc sống như mình mong muốn.”
“Quao, thời gian trôi qua nhanh thật anh nhỉ, đã đến tờ thứ ba rồi.
Tiếp theo để em nói một chút về Giản Đông đi.
Giản Đông là bạn đại học của em, không phải bạn cùng phòng nhưng tụi em học cùng lớp.
Bọn em quen nhau trong kỳ quân sự, mùa hè đó quá khắc nghiệt.
Từ hồi em mới quen biết Giản Đông đã to béo như thế.
Mà mấy người mập thường rất có sức hút gần gũi, ngày chưa thân thiết em cũng đã cảm thấy cậu ấy là người rất dễ chung đụng hòa hợp.
Xế chiều hôm nọ khi đang đứng tư thế nghiêm, Giản Đông ngất xỉu.
Người to như thế ngã ập xuống đất không ai dám tới đỡ, vì kéo cũng không nhúc nhích được gì, em tới kéo cậu ấy dậy.
Lúc ấy em khỏe lắm, chủ yếu nhờ lúc mới tốt nghiệp cấp ba em đi làm thêm cả hè, ra được tí cơ bắp, nhưng muốn đỡ Giản Đông dậy vẫn rất hao sức.
Em và thầy đưa Giản Đông vào phòng y tế trường quân sự, thầy bảo em ở cạnh trông coi cậu ấy.
Thời đó chưa có điện thoại thông minh để chơi như bây giờ, em buồn chán ngồi nhìn chiếc quạt máy treo trên trần nhà.
Sau khi Giản Đông tỉnh dậy cậu ấy thấy em ngay.
Anh hẳn cũng biết Giản Đông rồi đấy, cậu ấy là người cảm tính, về sau còn nói đã chịu em ngay từ cái nhìn ấy.
Đương nhiên, em nói cậu ta đừng có nói mấy thứ buồn nôn nữa.
Lúc Giản Đông vừa chân ướt chân ráo lên đại học đã cố gắng rất nhiều.
Gia cảnh nhà cậu ấy cũng không khá khẩm, chỉ là gia đình bình thường mà thôi, mẹ buôn bán, bố là một đầu bếp.
Cậu ấy cũng đến từ thành phố nhỏ.
Em nhớ đần đầu tiên bọn em đi chơi trên người chẳng có mấy đồng, không đi cả tàu điện ngầm vì không dám mua vé, đứng cạnh ngó người ta mua làm sao.
Xem đã rồi ngần ngừ chờ đến khi không còn ai xếp hàng nữa mới dám bước vào.
Em với Giản Đông mỗi đứa tốn hai tệ đi tàu điện ngầm, ăn mỗi đứa một bát mì năm tệ là xong.
Bọn em chẳng biết gì, sau này đi làm thêm gan mới to dần lên.
Phải rồi, bọn em cũng quen biết Văn Nhan vào quãng thời gian đó.
Gia đình anh ấy rất khá giả, vốn định du học.
Văn Nhan là đàn anh Giản Đông quen, Giản Đông lại thân với em nên ba người cũng quen biết.
Văn Nhan rành sõi nhiều thứ, cũng dạy hai đứa bọn em rất nhiều.
Thời đại học Giản Đông thất tình không biết bao nhiêu lần.
Có lẽ vì trông cậu ấy hiền lành quá, thân thiết với cậu ấy, bầu không khí dễ bị hiểu lầm thành yêu đương.
Nên thật ra khi đó Giản Đông chưa từng yêu ai, nhưng đơn phương rồi thất tình vô số kể.
Em thật chẳng giỏi an ủi người khác, chỉ có thể để Giản Đông chạy về khóc lóc với em, cậu ấy tới nhiều đến mức bạn cùng phòng em khó chịu, nên đành dẫn cậu ấy lên sân thượng ngồi.
Không có cách khuyên nhủ nào khác đâu, chỉ uống rượu như thế.
Bọn em thường ngồi trên sân thượng hò hét đến sáng hôm sau, nhiều khi em lạnh lắm rồi mà người Giản Đông vẫn cứ nóng hầm hập.
Từ ngày mới quen Giản Đông em đã biết cậu ấy là tuýp người cảm tính, có đôi khi mấy cô gái còn không nghĩ nhiều bằng cậu ấy.
À phải, bọn em còn từng cùng đánh nhau nữa, đó là lần đầu tiên trong đời em đánh lộn với người ta.
Khoa kế bên có một cậu bạn kia nói em nẫng tay trên bạn nữ cậu ta thích, ông trời ơi, em thật chẳng biết cô bạn đó có ý đó, hơn nữa em thích con trai mà.
Cậu kia không thèm nghe giải thích đã lao vào đánh, đấm đầu tiên Giản Đông đỡ thay em.
Hai người bọn em đương nhiên thừa sức đánh, chỉ sợ cậu ta tố cáo.
Cơ mà về sau có lẽ cậu ta thấy mình động tay động chân trước nên đuối lý, bọn em cũng bị thương mà cậu ta còn thảm hại hơn.
Hồi đó Giản Đông tội nghiệp nhất ở chỗ cậu ấy thích ăn uống lắm, nhưng lại không có tiền.
Trước cửa trường có quán bán chân giò, cậu ấy ăn khẩu vị Tứ Xuyên – Trùng Khánh nên thích đồ kho.
Nhưng mà đắt đỏ cực, ở đó toàn mấy đồ đắt thôi.
Em thấy cậu ấy thèm không chịu nổi nên mỗi lần có lương lại dẫn cậu ấy đi ăn, mà em phải nói ông chủ thưởng thêm cậu ta mới chịu để em mời một bữa.
Giản Đông tin thật, em bưng bê đồ ăn trà nước làm gì có thưởng thêm.
Chỉ là em không nỡ nhìn cậu ấy như vậy, bản thân cũng chẳng ham thích gì, kiếm tiền đủ ăn no là được, còn lại không quan trọng, nên là dẫn cậu ấy đi ăn.
Giản Đông thật lòng là anh em của em, dù em nhìn lại hình như hai đứa chưa từng giao hẹn nói ra điều gì, nhưng tình bạn xuất phát điểm cũng là mỗi ngày sát cánh bên nhau mà dần bồi đắp nên.
Nếu anh hỏi em làm sao có được, em không thể trả lời, chỉ có thể kể về nó theo cách đơn giản như thế mà thôi.”
“Thứ tư, em muốn nói về anh.
Em muốn nói điều này trước nhất, em yêu anh.”
Đọc đến đây, trên tờ giấy thấm ướt một giọt nước mắt.
Yến Khinh Nam chạm tay lên, rất muốn hỏi chính bản thân mình đang khóc ư? Cớ gì lại phải rơi lệ?
Anh muốn ôm lấy em.
Tác giả có lời muốn nói:
Tôi muốn viết về những con người bình thường trong câu chuyện này.
Edit: tokyo2soul.