“Hửm? Làm sao thế bảo bối? Ngoài kia rất lạnh sao?” Tịch Yến Thanh vừa dỗ Tiểu Hổ ngủ, thấy La Phi đứng ngoài cửa liên tục chà xát hai bàn tay.
“Không phải lạnh, em đang bị ngộ độc cẩu lương! Ôi anh không biết đâu, đại ca và Cảnh Dung bên kia buồn nôn lắm, nổi hết cả da gà! Chậc chậc…” La Phi chạy tới ôm cổ Tịch Yến Thanh: “Mau mau, cho em thuốc giải độc!”
“Giải độc như thế nào?”
“Hay là bây giờ anh gọi em một tiếng “phu quân” đi?” La Phi ngẩng lên nói: “Nhanh lên gọi đi xem nào.”
“Phu nhân, em trúng độc nặng quá rồi.” Tịch Yến Thanh vòng tay chế trụ thắt lưng La Phi: “Nhưng ban ngày không nên tuyên dâm, chúng ta phải đợi tới ban đêm thôi.”
“Cút đi! Ai đợi ban đêm với anh!” La Phi gạt phắt tay Tịch Yến Thanh xuống: “Đúng rồi, có nên mời Vạn đại ca tới ăn cỗ cưới của La Cát và Cảnh Dung không?”
“Đương nhiên rồi. Cảnh Dung cũng tính như vậy mà. Đợi mấy hôm nữa tôi lên trấn mua ít đồ, thuận tiện báo cho Vạn Đại Vân một tiếng.”
“Anh nhớ mua hai tấm vải cho em nữa nhé. Em muốn làm thêm hai bộ đồ cho Cảnh Dung, quần áo y mặc đều đã sờn cả rồi, mà cũng hơi kích không vừa người, chẳng biết mua từ bao giờ nữa.”
“Ừm, trước kia tôi nghe Cảnh Dung kể, quần áo của y đều do mẹ y may khi bà còn sống, lúc ấy y còn chưa cao lớn như bây giờ, y vẫn cất giữ chúng cẩn thận.” Lúc ấy Cảnh Dung và Tịch Yến Thanh đều đang trong quân ngũ, vì câu chuyện này mà Tịch Yến Thanh có thiện cảm rất tốt với Cảnh Dung, hắn cảm thấy đây là một người con hiếu thảo, một người bạn trọng tình trọng nghĩa, về sau tiếp xúc nhiều, Tịch Yến Thanh biết mình không nhìn lầm người.
“Mỗi lần giặt đồ thấy y làm cẩn thận lắm.” La Phi cảm thán: “Anh và đại ca đều có mắt nhìn người.”
“Thế có cần mua thêm vải cho đại ca không?” Tịch Yến Thanh hỏi.
“Đại ca thì không cần đâu, chắc mẹ đã may cho anh ấy rồi.” La Phi nghĩ nghĩ rồi nói: “Thế này đi Thanh ca, khi nào đi chợ anh nhớ mua hai miếng vải hai màu khác nhau, mua một miếng chất lượng tốt hơn một chút, màu xanh thẫm hoặc màu xanh thiên thanh nhé. Còn miếng kia mua loại bình dân thôi, chọn màu xám tro hoặc xám đậm cũng được.”
“Ừm… Hay là mình cùng đi luôn hôm nay? Bế Tiểu Hổ sang nhờ bà trông nửa buổi, hai chúng ta cưỡi ngựa lên trấn mua xong đồ rồi về, chắc chỉ mất một buổi chiều thôi.”
“Được đấy, vậy lát nữa ăn cơm trưa xong về La gia nói với mẹ một câu, nếu bà rảnh thì tốt, bận quá thì để mai tính.”
Hai chồng chồng thương lượng xong thì tranh thủ ăn cơm trong lúc Tiểu Hổ đang ngủ, sau đó ôm nhóc mập vẫn đang say giấc đi tìm Lý Nguyệt Hoa.
Không ngờ Lý Nguyệt Hoa đang đi vắng, trong nhà chỉ có một mình La Thiên, ông đang bào một thanh gỗ chuẩn bị sửa sang lại cổng nhà. Cánh cổng gỗ của La gia được đóng từ rất lâu rồi, một bên cột mục nát như sắp sập. La Thiên muốn sửa cổng mới trước khi La Cát và Cảnh Dung làm lễ kết nghĩa, như vậy trông sẽ tươm tất hơn.
Lúc trước, khi La Như thành thân ông cũng định sửa lại cổng nhà, nhưng khi ấy bận rộn nên quên mất.
Lần này lại có nhiều thời gian rảnh, có thể tranh thủ dựng lại cột kèo.
“Cha, khi nào nương con mới về ạ?” Lý Nguyệt Hoa sang Hàn gia tìm Hàn bá mẫu, La Phi đắn đo không biết có nên để Tiểu Hổ ở lại đây hay không.
“Bà bảo đi một lát là về. Sao đấy?” Thấy tiểu ngoại tôn đang ngủ, ông ngoại La Thiên cũng nhỏ giọng sợ làm nó tỉnh.
“Con và Thanh ca muốn lên trấn một chuyến, định nhờ nương trông Tiểu Hổ chiều nay. Bụng Tam Bảo cũng to rồi, không thể vận động nhiều nên đành bế Tiểu Hổ sang đây.”
“Chuyện nhỏ, nương con đi vắng thì để cha trông giúp. Ngày xưa lúc đại ca con còn bé tí, cha toàn cõng nó trên lưng đi làm đồng đấy chứ.” La Thiên buông đồ nghề trên tay, lúc trước ông còn muốn làm nhanh xong sớm, lúc này thấy Tiểu Hổ, ông lập tức gác lại việc sửa cổng. Ông đi rửa chân tay sạch sẽ rồi nói: “Nào, để ta bế cho, có mang theo tã không?”
“Có ạ… Đang quấn sẵn một cái rồi ạ.” La Phi đưa Tiểu Hổ sang tay cha. Động tác của y có chút tần ngần, chủ yếu là vì y không quá tin tưởng cha mình. Không phải do y hỗn, mà bởi vì hình tượng này của La Thiên, nếu đưa vào các bộ phim truyền hình hiện đại chắc chắn sẽ được giao vai sơn tặc!
“Được rồi, các con đi đi, để ta chơi với ngoại tôn của ta.” La Thiên ôm Tiểu Hổ vô cùng thành thục, vừa nhìn liền biết ông rất biết cách bế trẻ con.
“Yên tâm đi, cha trông được mà.” Tịch Yến Thanh khoác vai La Phi: “Cha, vậy nhờ người giúp chúng con nhé, con và Nhị Bảo sẽ đi sớm về sớm.”
“Rồi rồi, đi đi, đi đi.” La Thiên bế Tiểu Hổ đặt lên giường, lò sưởi đã thêm củi đang tỏa nhiệt ấm áp: “Mà sữa dê để đâu?”
“Đây ạ.” La Phi đưa một ống trúc cho La Thiên: “Con hâm nóng rồi rót vào đây, nếu cháu đòi uống mà vẫn ấm thì cha cho nó uống luôn, nếu nguội rồi cha giúp con đun lại nhé.”
“Ta biết rồi, con yên tâm, cha còn có thể bạc đãi ngoại tôn của mình sao?” La Thiên đặt ống trúc lên bệ bếp để giữ ấm sữa bên trong, cất kĩ tã mới của Tiểu Hổ không để vải phơi gió làm cháu ông bị lạnh.
Thấy nhạc phụ cẩn thận như vậy, Tịch Yến Thanh yên tâm đưa La Phi lên đường. Bọn họ lên ngựa, La Phi ngồi trước, Tịch Yến Thanh ngồi sau ôm lưng y, hắn cầm cương giục ngựa rời khỏi thôn Hoa Bình.
Mà lúc này, nhóc mập nào đó một giây trước còn đang ngủ ngon lành, một giây sau đã mở to hai mắt. Nhóc ta không hề khóc nháo, tự mình lật sấp nằm lẫy, mở miệng ngáp to rồi quan sát xung quanh. Sau đó nó vỗ giường hô lên: “Pa pa!”
Tuy miệng còn hôi sữa nhưng tiếng hô rất vang.
La Thiên biết ngoại tôn mình có thể tự lẫy nên không dám để nó ở một mình, ông định mang đồ nghề vào bếp làm, như vậy chỉ cần mở cửa buồng sẽ nhìn thấy Tiểu Hổ. Ai ngờ tiểu tử này đã tỉnh giấc rồi, đồ nghề của ông còn chưa thu dọn xong đành vứt ngoài sân.
“Tiểu Hổ đấy à, thế tỉnh rồi đấy à?” La Thiên vừa bế vừa nựng cháu ngoại, ông sờ sờ bọc tã kiểm tra, quả nhiên Tiểu Hổ đã tè dầm, ông nhanh chóng thay tã mới cho nó.
“Kha kha kha…” Tiểu Hổ nhận ra ông ngoại của mình, nó cũng không sợ người lạ, hai bàn tay nắm thành hai nắm đấm nhỏ xíu, hai cái chân béo ú thịt vung vẩy khoái chí, xì…. Một dòng nước tiểu trực tiếp tưới lên người ông ngoại nó. À không, phải nói là tưới từ trên đầu chảy xuống mặt.
“Phì!” La Thiên cau mày: “Tên nhóc thúi này, tè cả lên người gia gia à!”
“Oa oa?” Tiểu Hổ chớp chớp cặp mắt bi ve, với bàn tay múp míp sờ lên mặt ông ngoại: “Ta?”
“Ta cái gì mà ta? Hư quá đi mất.”
“Kha kha kha…”
“Chậc, còn cười à? Ngươi làm ướt hết y phục gia rồi đây này. Đợi gia thay đồ rồi cho tiểu nghịch ngợm nhà ngươi ăn sữa, ngoan nào không quấy.” La Thiên bọc Tiểu Hổ trong chăn để nó không lật người rơi xuống đất. Ông vừa cởi áo ngoài vừa nói: “Nào không nghịch nữa, gia cởi xiêm y rồi cho tiểu nghịch ngợm nhà ngươi biết tay.”
Cái gì cơ!!!???
Lý Nguyệt Hoa vừa về tới cổng liền nghe tiếng La Thiên lẩm bẩm trong phòng, không ổn rồi, bà lập tức nổi trận lôi đình!
Cái gì mà cởi xiêm y rồi trừng phạt tiểu nghịch ngợm?
Tiểu nghịch ngợm nào cần phải cởi xiêm y rồi mới trừng phạt được?
Lý Nguyệt Hoa không nghĩ gì thêm, bà chạy vào phòng chứa củi lấy một thanh gỗ, đạp cửa xông vào buồng hét: “Hay lắm lão nhân La Thiên nhà ngươi! Dám thừa dịp lão nương không ở nhà mà làm bậy làm bạ!”
La Thiên đang tụt quần đến đầu gối, bị tiếng rống làm giật mình nên tự vấp chân ngã xuống nền đất. Ông ngồi dậy giữ chặt một đầu thanh gỗ trên tay Lý Nguyệt Hoa, trợn mắt quát nương tử: “Lão bà ngu ngốc này! Rú rít cái gì đấy???”
Lý Nguyệt Hoa vẫn chưa nhìn thấy Tiểu Hổ trên giường, bà vẫn cho rằng La Thiên tằng tịu sau lưng mình. Một tay bà chống nạnh, một tay giơ cao thanh gỗ: “Nói, ông giấu tiểu yêu tinh kia ở chỗ nào?”
La Thiên chưa hiểu chuyện gì xảy ra, cũng tức giận không kém: “Cái gì tiểu yêu tinh? Bà nói bậy nói bạ gì đó?”
Lý Nguyệt Hoa vứt luôn thanh gỗ trên tay, bà xông vào buồng mở tủ tìm “tiểu yêu tinh”, lại nhìn thấy một cục Tiểu Hổ ngồi giữa giường tròn mắt xem kịch.
“Sao Tiểu Hổ lại ở đây?”
“Còn sao nữa, Nhị Bảo và Yến Thanh lên trấn mua đồ, chúng nó bế Tiểu Hổ sang nhờ bà trông giúp buổi chiều. Bà đi vắng nên ta đành nhận trông hộ. Bà cho là ta giấu người trong buồng?”
“Khụ… Ai bảo ông nói tầm bậy tầm bạ làm người ta phải suy nghĩ nhiều. Cái gì mà cởi y phục rồi trừng trị…”
“Ngoại tôn của bà tè ướt hết đồ của ta, không cởi ra thay đồ mới chẳng lẽ để nguyên trên người!!???” La Thiên lúc này mới ngồi lên giường, lấy lại phong thái đương gia đầy quyền lực của mình: “Nhanh lên, tìm cho ta bộ đồ mới đi.”
“Được rồi được rồi. Nước tiểu trẻ con mà sợ gì? Đồ đại bổ đấy.” Lý Nguyệt Hoa cười cầu hòa: “Ta biết mà, đương gia nhà ta sao có thể làm chuyện đồi bại.”
“Ta nhổ vào! Bà đúng là lão bà ngu ngốc chỉ giỏi nịnh bợ!” La Thiên nhận bộ đồ mới mặc lên người rồi mới bế Tiểu Hổ. Ông cà cái cằm lún phún râu lên trán nó, mắng yêu: “Tiểu tử thúi này, tự nhiên hãm hại ngoại gia ta.”
Tiểu Hổ rất bực mình nha, nó “oa!” một tiếng rồi bắt đầu nghịch râu La Thiên.
La Thiên cũng vui vẻ chơi đùa với nó, thành công tóm được cái móng vuốt hổ tí hon đang có ý định cào mặt ngoại gia.
Khi La Phi và Tịch Yến Thanh trở về, bọn họ còn tưởng Lý Nguyệt Hoa và La Thiên đang cãi nhau. Vào buồng mới biết là Tiểu Hổ đang cào ông ngoại, quả thực dở khóc dở cười. Tiểu tử thúi này, đi đến đâu là náo loạn đến đấy.
“Vẫn là ngoại tôn tử của ta lợi hại, ta thành thân với gia gia ngươi mười năm nay mà chưa bao giờ cào được ông ấy.” Lý Nguyệt Hoa có vẻ rất đắc chí, bà vừa cười vừa bế Tiểu Hổ giao cho La Phi: “Được rồi, về sau ngoại gia ngươi chèn ép ta, ta sẽ nhờ Tiểu Hổ ngươi tới trừng trị ông ấy.”
“Na na!” Tiểu Hổ đáp lời bà ngoại.
“Nương, chúng con về đây ạ. Gà quay con mua về biếu hai người, nương nhớ bỏ ra ăn nhé.” Hôm nay lên trấn thấy một tiệm gà quay mới khai trương, La Phi không nhịn được cơn thèm nên mua nửa con ăn thử. Thấy ngon miệng y bèn quay lại mua thêm bốn con, một con biếu cha mẹ, ba con mang về ăn. Y định làm thêm món bánh lá sen*, thái thịt gà quay thật mỏng, kẹp cùng gừng thái sợi rồi chấm với nước sốt, ăn thử như món vịt quay xem sao.
*bánh lá sen là một loại bánh làm từ bột mì, cán mỏng rồi gập đôi để kẹp nhân ở giữa, vì ở ngoài người ta dùng cán dao ấn thành các đường nan quạt trông như gân lá nên gọi là bánh lá sen (chứ không dùng lá sen thật)
Trước đây La Phi mới thử làm bánh hành và bánh khoai tây, lần này y sẽ thử nghiệm món mới. Y cán mỏng từng miếng bột, quết qua một lớp mỡ rồi chồng lên nhau, sau khi chồng đủ mười lớp bột lại cán mỏng một lần nữa rồi mang đi hấp cách thủy. Làm như vậy sẽ không bị ngấy mỡ như bánh rán mà hương vị lại mới mẻ hơn bánh bao hấp thường ngày.
“Thanh ca, về sau nhà mình có vịt thì có thể làm món vịt quay không? Nhóm lửa bằng gỗ cây ăn quả rồi quay vịt, cảm giác hương vị sẽ ngon hơn cả món gà quay này.” La Phi vừa thái gà quay vừa nói: “Chẹp, nghĩ thôi đã chảy nước miếng.”
“Thỉnh thoảng tự quay một hai con ăn trong nhà thì được, còn để mở ra kinh doanh thì phải tính toán thêm. Định nướng như thế nào, nướng bằng gì? Ở đây không có lò, chỉ có thể nướng bằng than, phải canh lửa và căn thời gian vân vân… khá phức tạp đấy.”
“Em cũng nghĩ vậy, chủ yếu là sang năm em định nuôi thêm mấy con vịt để lấy trứng. Vịt đực thì có thể nướng ăn hay làm món gì đó, đương nhiên nếu vẫn phải mua gà con thì thôi, tự ấp mới có thể tiết kiệm chi phí.”
“Đầu xuân năm tới chúng ra sẽ trồng thêm thật nhiều cây thù lù đực, các loại cây ăn quả kia cũng đang ra cành nhiều, cho nên tạm thời không mua gà con nữa, xem năm tới chúng có đẻ trứng hay không. Bằng không chúng ta không thể quản lý hết đâu.”
“Ừm, nghe lời anh, từng bước một.” La Phi rửa sạch gừng bỏ lên thớt, chuẩn bị thái sợi lại bị Tịch Yến Thanh đè lại tay.
“Cay mắt đấy, để tôi thái cho, em sang gọi đám Lạc Dũng Cảnh Dung đi.”
La Phi gọi tất cả mọi người xung quanh sang ăn gà quay, một đám người ngồi quanh mâm cơm, vừa ăn vừa trò chuyện sôi nổi.
Lúc xây nhà Tịch Yến Thanh không ngờ La Cát và Cảnh Dung sẽ kết thành đôi, hắn vốn cho rằng sẽ chỉ có nhà mình ăn cơm trong bếp, cho nên làm bàn ăn hình vuông nhỏ nhắn. Lúc này hắn đột nhiên có chút hối hận.
Hai nhà cùng ăn còn tạm ổn, ba nhà cùng ăn thì hơi chật.
Tịch Yến Thanh cuốn thịt gà và gừng vào bánh lá sen, chấm thêm tương, vừa ăn vừa suy nghĩ phải sang nhà Trần Hoa Chương đóng thêm một cái bàn tròn lớn.
“Tề ca, khi nào huynh rảnh rỗi có thể dạy ta làm đồ ăn được không?” Cảnh Dung nói: “Ta phải học thật nhanh. Suốt năm vừa rồi ăn chực nhà huynh và Tịch ca, thật ngại quá.” Tuy thỉnh thoảng y vẫn mua gạo và bột mì sang làm quà, nhưng Cảnh Dung vẫn cảm thấy áy náy, cũng may tề ca không ghét bỏ y.
“Lúc nào cũng được. Chúng ta ở sát vách, ngươi cứ sang đây xem ta nấu ăn là được. Mấy món xào đơn giản mà, làm bánh cũng dễ. Nấu cháo là dễ nhất, ngươi sẽ học nhanh thôi.” La Phi cười nói: “Mà lạ ghê, đã hơn một năm ăn chực, không thấy ngươi sốt sắng việc học nấu ăn. Bây giờ đột nhiên lại muốn học, có phải định nấu ăn cho đại ca ta không?”
“Ừm.” Cảnh Dung thẳng thắn thừa nhận: “Bọn ta đã về sống chung, dù sao cũng phải có người biết nấu ăn.”
“Sao không bắt đại ca nấu ăn?” Tịch Yến Thanh hỏi.
“Ta nấu ăn chỉ hợp khẩu vị Đại Hoàng mà thôi.” Đại Hoàng là con bò vàng mà Tịch Yến Thanh mua rồi gửi sang La gia, nghĩ đến đây La Cát có chút dở khóc dở cười. Có lẽ hắn không thuộc về nhà bếp.
“Vậy ngày mai ta bắt đầu nấu đổi món, những gì biết nấu ta sẽ làm lần lượt. Cảnh Dung ngươi xem muốn học món gì đầu tiên?” La Phi vừa gỡ xong một chiếc đùi gà, Tiểu Hổ lập tức thò tay nắm cái xương.
Thấy tên nhóc thúi nhất quyết không chịu buông tay, La Phi đành chiều theo ý nó.
Chiếc xương đùi đã bị gỡ hết thịt, nhưng Tiểu Hổ cho vào miệng gặm cắn đến là thích chí.
Bắt đầu từ ngày hôm sau, mỗi bữa Cảnh Dung đều xuống bếp học nấu ăn với La Phi, còn La Cát vừa giúp y thu dọn chuồng dê, vừa lo chuẩn bị cho lễ kết nghĩa sắp tới, nào là cháo hỷ, thịt cá, bánh kẹo mừng, cắt chữ Hỷ vân vân… Tuy hắn từng thành thân một lần, công bằng mà nói những việc này không còn khiến hắn cảm thấy mới mẻ, nhưng có lẽ vì đã tìm được người mà hắn muốn đi cùng đến cuối đời, cho nên La Cát vẫn vui vẻ chuẩn bị mọi thứ thật đủ đầy.
Cảnh Dung học rất nghiêm túc, vài ngày sau y đã có thể tự nấu mấy món đơn giản như bánh khoai tây, canh trứng, rau luộc,… mà La Cát bên này đã làm xong mọi thủ tục.
Mùng một Tết Nguyên đán, trời quang mây tạnh, Tịch Yến Thanh quyết định đón cả La gia sang ăn Tết cùng nhau. Lúc này hơn một nửa con cái La gia đều tụ tập ở đây, khỏi mất công bọn họ chạy qua chạy lại.
La Thiên và Lý Nguyệt Hoa rất có tư tưởng cầu tiến, bọn họ chỉ nghĩ ngợi một lát rồi chấp nhận lời đề nghị. Vì thế ngay từ đêm giao thừa, La Thiên, Lý Nguyệt Hoa và La Nghị đã có mặt ở Tịch gia, cả nhóm người sum vầy ăn cơm tất niên.
Lạc Dũng và Cảnh Dung bê hai cái bàn nhà mình sang, ba cái bàn vuông kê cạnh nhau hợp thành một bàn chữ nhật lớn, như vậy mới đủ chỗ cho tất cả mọi người.
La Phi, La Như và Lý Nguyệt Hoa cùng xuống bếp làm cơm, một lát sau mâm cỗ thịnh soạn đã được bày biện ra bàn.
Có thể nói, năm nay là cái Tết đầu tiên cả nhà cùng tụ họp vui vẻ đến thế. Càng hạnh phúc hơn đó là niềm vui ấy còn kéo dài tới hôm sau, bởi vì mùng hai Tết chính là ngày Cảnh Dung và La Cát kí khế ước kết nghĩa.