Đọc truyện Full

Chương 98: 98: Chương 96

Sau khi tan học, Khương Nghi và Lục Lê từ trường về nhà thuê.
Lục Lê vẫn đi cà nhắc, nhìn có vẻ rất nghiêm trọng, Khương Nghi muốn xem vết thương nhưng Lục Lê sống chết không cho cậu nhìn.
Khương Nghi nửa tin nửa ngờ, cậu băn khoăn nhìn chân Lục Lê rồi hỏi: “Cậu không bị đánh gãy chân thật đấy chứ?”
Lục Lê vung mạnh chân cho cậu xem, quả quyết nói chân mình không hề gãy.
Khương Nghi đành phải thôi.
Lúc tắm cậu còn nhủ thầm chắc mình đa nghi quá rồi, dù sao cha Khương cũng đã nhìn Lục Lê lớn lên, dù có tức giận cách mấy cũng không đánh gãy chân hắn đâu.
Huống chi Lục Lê còn được cha Khương lì xì cơ mà.
Sau khi Khương Nghi tắm xong, Lục Lê sấy tóc cho cậu, cậu ngồi trên giường nhìn hình ảnh trong máy tính bảng của Lục Lê.
Máy tính bảng hiện đầy thông tin và hình ảnh về trà.
Nhà họ Lục chẳng ai thích uống trà, Lục Lê cũng không có hứng thú với trà, người duy nhất thích uống là cha Khương.
Cậu lờ mờ cảm nhận được thần kinh người bên cạnh đang hết sức căng thẳng.
Trong tiếng máy sấy vù vù, Khương Nghi bỗng quay đầu nói: “Cậu tốt như vậy ba sẽ không ghét cậu đâu.”
Lục Lê ngẩng lên hỏi: “Ví dụ đi?”
Khương Nghi ngẩn người: “Ví dụ cái gì?”
Lục Lê nhìn cậu chăm chú: “Ví dụ như tớ tốt chỗ nào?”
Khương Nghi nghĩ ngợi: “Chỗ nào cậu cũng tốt cả.”
Trong lòng cậu thật sự là như vậy.
Người trước mặt chỗ nào cũng tốt hết.
Lục Lê nhịn không được cúi đầu hôn khóe mắt Khương Nghi, cũng cảm thấy cậu tốt hết mọi mặt.
Nhưng dù sao Khương Nghi vẫn không phải là cha Khương.
Cha Khương quả thật không thích hắn cho lắm.
Bởi vì qua tháng sau, Khương Nghi nhận được gấp đôi tiền sinh hoạt.
Cha Khương ra sức dặn dò Khương Nghi qua điện thoại: “Bé ngoan, muốn ăn muốn chơi cái gì cứ mua đi nhé, không đủ tiền thì nói với ba.

Bình thường nhớ rạch ròi với Tiểu Lục một chút.”
Từ nhỏ ông đã luôn dặn Khương Nghi như vậy để cậu đừng mang tiếng lợi dụng nhà họ Lục, nhưng lần này càng nghiêm ngặt hơn, cứ như hy vọng Khương Nghi sẽ phân chia rõ ràng với Lục Lê.
Tựa như làm vậy có thể khiến hai người xa cách một chút.
Khương Nghi hơi bất đắc dĩ nhưng cũng chẳng nói gì mà chỉ cất khoản tiền sinh hoạt ông cho thêm.
Lục Lê biết cha Khương không thích nói chuyện với mình, thế là tìm không ít trà ngon thượng hạng theo sở thích của ông.
Hắn cố ý dặn người ta xé bỏ bao bì rồi gói riêng bánh trà đắt tiền để người nhận không biết đó là trà gì.
Nhưng cha Khương không chịu nhận mà lần nào cũng khách sáo trả lại.
Ngay cả trà trước đây Lục Đình thỉnh thoảng tặng ông cũng không còn nhận nữa.
Giờ Lục Lê mới hiểu mặc dù cha Khương nể mặt Khương Nghi mà chấp nhận hắn nhưng thật ra cũng chỉ vì cậu nên mới chiều theo hắn thôi.
Tuy không ra sức cấm cản nhưng vẫn lạnh lùng với hắn chứ trong thâm tâm vẫn chưa chấp nhận.
Cha Khương trả lại trà hơn bốn tháng liền.
Không nhận một lần nào.
Thậm chí đến tháng Hai ăn Tết, cha Khương cũng chỉ nhận quà cuối năm của công ty chứ không nhận quà từ nhà họ Lục.
Còn cấp tốc đưa Khương Nghi và bà nội về quê trước đêm giao thừa.
Bà cụ rất vui vì được ăn Tết ở quê, có thể chuyện trò rôm rả với người trong thôn.
Khương Nghi sờ mũi, cũng phần nào hiểu được ý cha Khương.
Có lẽ là ngày Tết không thích gặp Lục Lê bắt cóc con trai mình.
Khương Nghi e ngại không dám gọi điện cho Lục Lê trước mặt cha Khương.

Mùng bốn Tết.
Đây là lần đầu hai người xa nhau lâu như vậy từ lúc hẹn hò.
Lục Lê nhịn không được, một ngày lén lút gọi mấy cuộc cho bà nội Khương Nghi, trò chuyện một hồi lại rầu rĩ nói với bà cụ hắn đang ở thành phố A một mình, cha mẹ đi hưởng tuần trăng mật rồi.
Bà cụ xuýt xoa một tiếng rồi lẩm bẩm mấy ngày Tết sao lại ở nhà một mình, hỏi Lục Lê có muốn về quê chơi như trước kia không.
Sau khi cha Khương nghe được thì phản ứng cực mạnh, trừng mắt nói: “Sao nó lại về đây được chứ? Mẹ, liệt tổ liệt tông nhà mình đang nhìn kìa……”
Chẳng phải cái này tương đương với bước qua cửa nhà họ sao?
Khương Nghi vô thức nhìn liệt tổ liệt tông nhà mình —— Mấy tấm ảnh treo trên tường.
Bà cụ cười ha ha cúp máy rồi kỳ quái nói với con trai đang phản ứng cực mạnh: “Cũng đâu phải lần đầu Tiểu Lục về quê mình.”
Bà nghiêm trang nói: “Quốc Quân à, mùa hè cần người gặt lúa thì mi gọi người ta về.”
“Còn mùa đông ăn Tết thì mi đuổi người ta đi đúng không?”
“Tiểu Lục ăn Tết một mình ở thành phố A, cha mẹ đi hưởng tuần trăng mật rồi, cô đơn tội nghiệp biết mấy đúng không?”
Giọng điệu đầy tính giáo dục, chỉ còn thiếu một câu: “Thằng bé này sao chẳng hiểu chuyện gì hết vậy ——”
Khương Quốc Quân: “……”
Ông chết lặng nói: “Mẹ, giờ khác rồi mà.”
Bà cụ liếc mắt: “Khác chỗ nào?”
Bà quay đầu nhìn Khương Nghi trên ghế salon rồi dịu giọng nói: “Bé ngoan thấy đúng không?”
Khương Nghi gật đầu như gà con mổ thóc, chỉ thiếu điều giơ tay lên tán thành nữa thôi.
Bà cụ nói dứt khoát: “Được rồi, cứ quyết định vậy đi.”
Bà cười tủm tỉm quay sang bảo cha Khương: “Hôm nay nhớ dọn phòng đấy, Tiểu Lục một mình chạy về đây cũng chẳng dễ gì.

Nhớ dọn dẹp sạch sẽ cho người ta ở nghe chưa.”
Cha Khương im lặng một hồi, sau đó gượng gạo gật đầu.
Rạng sáng hôm sau.
Lục Lê đậu xe trước cổng nhà Khương Nghi, hắn xách theo túi lớn túi nhỏ, mặc áo khoác đen đắt tiền được may vừa người, tóc mái xịt keo chải ngược để lộ gương mặt tuấn tú, nghiêm trang đứng chờ trước cổng nhà Khương Nghi.
Khương Nghi mặc áo khoác quân đội mang dép lê, mới ngủ dậy nên tóc hơi rối, cậu mở cổng rồi mờ mịt nhìn Lục Lê bên ngoài.
Lục Lê liếm môi khẩn trương hỏi: “Chú Khương đâu?”
Khương Nghi nói: “Ba đi cho gà ăn rồi.”
Cậu ngập ngừng: “Cậu mặc đồ này về……”
Lục Lê trịnh trọng nói: “Mặc thế này chắc sẽ thuận mắt chú Khương hơn nhỉ?”
Khương Nghi im lặng không nói gì.
Chỉ chốc lát sau Lục Lê đã hiểu tại sao Khương Nghi xoắn xuýt như vậy.
Bởi vì sau khi hắn đặt đống quà đắt tiền xuống, cha Khương lập tức đi nhồi lạp xưởng.
Lục Lê im lặng nhìn áo khoác hàng hiệu trên người mình, sau đó bình tĩnh nói: “Chú Khương, để cháu phụ chú một tay ——”
Cha Khương nhìn hắn rồi khách sáo nói: “Cảm ơn Tiểu Lục nhé.”
Nhồi lạp xưởng xong, Lục Lê rửa tay mười mấy lần mới đi hỏi bà cụ Khương Nghi ở đâu.
Bà cụ cười ha ha: “Chắc bé ngoan đang ở trong bếp ấy.”
Trong bếp, Khương Nghi ngồi xổm trên băng ghế nhóm lửa nhưng không rành lắm, bị tro bụi bốc lên làm hắt hơi mấy cái, con mèo bên cạnh bệ sưởi đi quanh cậu kêu meo meo.
Cứ như đang giục cậu mau nhóm lửa để nó sưởi ấm vậy.
Khương Nghi lẩm bẩm: “Rồi rồi rồi, chờ anh chút xíu, xong ngay đây.”
Hai phút sau.
Lục Lê xách một người một mèo trong gian bếp bụi bặm lên, đặt người ngồi xuống ghế mới yên tâm lại.
Khương Nghi ngoan ngoãn ngồi trên ghế nhìn Lục Lê ngồi xổm ở bệ sưởi nhóm lửa trong tro bụi mù trời.
Cha Khương vào bếp thấy con trai mình ôm mèo ngồi trên ghế, còn Lục đại thiếu gia vùi đầu nhóm lửa trong khói bụi mịt mù, quần áo bám đầy tro.

Áo khoác hắn trùm lên người Khương Nghi chặn hết tro bụi bên ngoài.
Năm phút sau.
Lục Lê và Khương Nghi cùng ngồi trên ghế nhìn cha Khương thành thạo nhóm lửa, Khương Nghi chân tâm thật ý khen: “Ba giỏi quá đi.”
Cha Khương cười ha ha.
Lục Lê cũng chân tâm thật ý nói: “Chú Khương lợi hại ghê.”
Cha Khương lập tức ngừng cười rồi hừ lạnh một tiếng.
Lục Lê: “……”
Sau khi ăn cơm trưa xong, Khương Nghi mới phát hiện cha Khương xếp phòng cho cậu và Lục Lê một Nam một Bắc, cách nhau xa tít tắp.
Chắc vì buổi sáng dậy sớm quá nên Khương Nghi ngủ trưa rất say.
Hơn hai giờ chiều, bà nội Khương Nghi chống gậy thấy cha Khương đi thăm họ hàng thì cười híp mắt vẫy gọi Lục Lê, hỏi hắn có muốn theo mình tới ngôi miếu cổ sau ngọn núi đầu thôn để cúng bái không.
Lục Lê được vào nhà ăn Tết là nhờ bà cụ nên lập tức đồng ý ngay.
Ngọn núi đầu thôn không xa lắm nên đi một lát là tới, chỉ có điều nhìn rất hoang vu.
“Miếu xập xệ quá rồi, giờ chẳng còn mấy ai tin nữa.

Hồi xưa bà muốn tới miếu này, cha bé ngoan cứ chê bà mê tín hoài.”
Bà cụ chống gậy đi trên bậc thang phủ đầy tuyết nói huyên thuyên.
Lục Lê cầm ô khom lưng theo sau đỡ bà cụ.
Tuyết đọng phát ra tiếng lách tách, cành lá khẽ đung đưa trong gió tuyết.
“Nhiều người nói miếu này chẳng linh nghiệm gì nhưng bà già này vẫn cứ tin.”
“Mười mấy năm trước, lúc bé ngoan được hơn một tuổi thì mùa đông sốt cao cả tuần liền.”
“Cha nó vừa gọi điện vừa nghẹn ngào nói với bà bé ngoan phải vào phòng chăm sóc đặc biệt, bà già rồi có biết phòng chăm sóc đặc biệt là gì đâu.”
“Bà hỏi cha nó phòng chăm sóc đặc biệt là gì, cha nó cũng không dám nói rõ với bà, thế là bà sang hỏi nhà bên cạnh.”
“Người ta nói phòng chăm sóc đặc biệt là ai nguy kịch sắp chết mới vào đó.”
Lục Lê thoáng giật mình rồi vô thức nín thở, môi mấp máy không nói nên lời.
Bà cụ chống gậy bước trên tuyết đọng, thở ra một làn khí nóng: “Lúc người ta nói bà vẫn không tin đâu, bà nghĩ cháu ngoan của bà mới hơn một tuổi chứ mấy, hai ngày trước còn ôm điện thoại bập bẹ gọi bà nội mà, sao lại vào chỗ kia được chứ?”
“Bà gọi điện cho cha nó hỏi đi hỏi lại, cuối cùng ngồi một mình trong phòng rất lâu.”
Lúc đó bà chỉ là một bà lão không biết chữ, cũng không biết đường lên thành phố, ngoài trời tuyết lại rơi mạnh, một mình ngồi trong phòng rất lâu rất lâu.
Bà bần thần tự hỏi cháu ngoan của mình mới chỉ hơn một tuổi, sao lại nguy kịch sắp chết được chứ?
Thế là giữa ngày đông giá rét, bà cụ lội tuyết đến ngôi miếu đầu thôn.
Bà quỳ trước miếu thắp hết cây nhang này đến cây nhang khác, vái lạy Bồ Tát trong miếu, cầu xin trời cao và Bồ Tát mở mắt ra nhìn, đừng để Diêm Vương đem cháu ngoan của mình đi.
Đã mười mấy năm trôi qua nhưng bà cụ vẫn nhớ rõ mồn một, bà chống gậy nói: “Bà quỳ trước mặt Bồ Tát, cầu xin Bồ Tát nói với Diêm Vương đừng đem cháu ngoan của bà đi……”
Lên tới bậc thang cuối cùng, bà cụ ngẩng đầu trong màn mưa tuyết trắng xoá, hiền lành nhìn ngôi miếu cũ kỹ trước mắt rồi tự hào nói: “Cháu đoán xem kết cục thế nào?”
Bà vỗ tay nam sinh tóc vàng bên cạnh rồi cười tủm tỉm: “Cuối cùng Bồ Tát cũng nghe thấy lời bà nói.

Sau một thời gian ngắn, cha bé ngoan vội vàng gọi điện cho bà, vừa khóc vừa nói bé ngoan được ra ngoài rồi.”
Thần kinh căng cứng của Lục Lê thả lỏng, hơi thở nghẹn lại cũng thoát ra.
Trong gió tuyết gào thét, giờ hắn mới hoảng hốt phát hiện toàn thân mình toát mồ hôi lạnh.
Bà cụ quay đầu vỗ vỗ nam sinh tóc vàng thẫn thờ sau lưng rồi bảo hắn đi theo mình.
Lục Lê cầm ô theo sau.
Ngôi miếu này quả thật đã xuống cấp nhiều năm, gạch ngói màu nâu xanh thủng lỗ chỗ, trong phòng nhỏ hẹp thờ một pho tượng Bồ Tát bằng đất, tay cầm bình thanh tịnh, nét mặt hiền hòa.

Cờ cầu nguyện màu vàng sáng phất phơ trong gió lạnh đổ bóng xuống sàn.
Bà cụ đặt gậy xuống rồi lọm khọm đến trước bồ đoàn thắp mấy nén nhang cho Bồ Tát.
Ngoài trời tuyết lông ngỗng bay lả tả, mặt đất trắng xóa càng lúc càng dày.
Trong sân, cha Khương vừa đi thăm họ hàng xách theo quà Tết lỉnh kỉnh đứng trước cổng sân lắc hết tuyết trên người, đi vào phòng khách mới phát hiện bên trong vắng ngắt.
Ông nhìn quanh phòng khách, vừa đi vừa gọi: “Mẹ ơi——”
Không ai trả lời.
Cha Khương hơi khó hiểu, đặt quà Tết lên bàn rồi ra sân tìm bà cụ.
Ở sân bên cạnh, thím Trương nhìn ông cười nói: “Quốc Quân, tìm bà cụ đúng không?”
Cha Khương gật đầu lia lịa, nghe thím Trương quét sạch tuyết trên bậc cửa rồi cười ha ha: “Chắc bà cụ đi lễ miếu rồi, lúc nãy thím còn thấy họ đi về phía ngôi miếu cổ sau ngọn núi đầu thôn mà.”
Cha Khương bất đắc dĩ nói: “Ngoài trời tuyết lớn lắm, già cả như vậy lỡ bị ngã thì sao……”
“Miếu kia cũng chẳng có ai, bà cụ này thật là……”
Cha Khương vừa càm ràm vừa vớ lấy cây dù lớn rồi vội vã đi tới ngôi miếu cổ sau ngọn núi đầu thôn.
Đường tới miếu rất khó đi, núi không cao lắm nhưng đọng đầy tuyết, khi giẫm lên phát ra tiếng răng rắc.
Cha Khương chụm tay vào nhau rồi hà hơi cho ấm, nghĩ thầm thời tiết này mà không đeo găng tay thể nào cũng tróc một lớp da.
Ông sợ bà cụ xảy ra chuyện gì nên đi vừa nhanh vừa vội, chẳng bao lâu sau đã tới miếu.
Miếu cổ quả thật đã xuống cấp nghiêm trọng, cha Khương xếp dù lại, từ xa trông thấy bà cụ chống gậy đứng trước miếu tươi cười nói chuyện với một vị sư già.
Ông vội chạy tới xem bà có bị té không, sau khi kiểm tra kỹ càng thì bảo bà theo mình xuống núi.
Bà cụ không chịu mà quay đầu nhìn vào miếu nói: “Tiểu Lục còn ở trong đó mà.

Chờ nó ra rồi về.”
Cha Khương đành phải cầm dù đi vào phòng thờ Bồ Tát.
Trong phòng thờ chật hẹp, cờ cầu nguyện màu vàng sáng bay phất phơ theo tuyết, một nam sinh tóc vàng quỳ dưới tượng Bồ Tát cầm bình thanh tịnh.
Bên ngoài mưa tuyết rít gào, gió lạnh làm cổ họng rát buốt, cha Khương sững sờ đứng trước cửa phòng thờ nhìn nam sinh tóc vàng quỳ trước bồ đoàn.
Hắn cúi lạy tượng Bồ Tát hết lần này đến lần khác, bàn tay đã tháo găng bị cóng đỏ bừng áp xuống đất rồi lại chắp trước ngực cầu xin Bồ Tát.
Tượng Bồ Tát bằng đất sét mang nét mặt hiền hòa, thậm chí có vài chỗ đã tróc ra, bồ đoàn mỏng manh ẩm thấp nhìn cũ nát không chịu nổi.
Cậu chủ nhà họ Lục yên lặng quỳ trên sàn dập đầu vô cùng thành kính, ở xóm núi này, trong miếu nhỏ này không ngừng cúi lạy Bồ Tát.
Cha Khương sững người rất lâu.
Ông ngẩng đầu nhìn phòng thờ rồi từ từ lục lại chút ký ức mờ nhạt xưa cũ.
Bà cụ hay huyên thuyên nói với ông bé ngoan may mắn được Bồ Tát phù hộ, lúc bé ngoan một tuổi bà đã lạy Bồ Tát trong miếu suốt một đêm, ngôi miếu sau ngọn núi đầu thôn linh lắm.
Cha Khương cũng từng đến đây vái lạy.
Nhưng về sau bà cụ hay nói con ông bị bệnh là do tà ma quấy phá nên muốn tìm thầy pháp trừ tà, nói riết làm cha Khương cứ tưởng bà cụ già rồi đâm ra mê tín.
Trong tuyết trắng mênh mang, cờ cầu nguyện bay phất phơ từ từ dừng lại, dường như cuối cùng gió tuyết cũng lắng xuống và trở nên hiền hòa.
“Thím Trương ơi——”
Trong sân, Khương Nghi đeo khăn quàng cổ thắc mắc hỏi hàng xóm bên cạnh: “Thím có thấy cha và bà nội cháu đâu không ạ?”
Tỉnh lại sau giấc ngủ, cả nhà chỉ còn mỗi mình cậu.
Khương Nghi tìm hết từ trong ra ngoài nhưng chẳng thấy ai, ngay cả Lục Lê cũng không thấy bóng dáng.
Thím Trương thấy cậu thì “à” một tiếng rồi đưa cho cậu một nắm kẹo như hồi bé, cười tủm tỉm nói: “Cha và bà nội cháu hình như tới miếu sau núi đầu thôn rồi.

À, đứa bạn nước ngoài tóc vàng của cháu cũng đi với bà cụ đấy.”
Trong túi Khương Nghi bị nhét một nắm kẹo, cậu cảm ơn thím Trương rồi đi ra bếp xách lên con mèo mướp đang nằm khoanh sưởi ấm cạnh nồi sắt.
Mèo mướp dính đầy tro kêu meo meo, Khương Nghi hắt hơi một cái, phủi phủi đuôi mèo trong bụi mù đầy trời rồi nghiêm túc răn đe: “Coi chừng cháy thành mèo mun bây giờ.”
Mèo mướp lắc mình làm Khương Nghi hắt hơi lần nữa, trong sân có một đám người đi vào.
Khương Nghi ngẩng đầu lên, mèo mướp thừa cơ chạy vụt đi, chạy ra cổng sân thì bị Lục Lê cúi người túm lên.
Cha Khương dìu bà cụ đang vui vẻ nói vị sư già lúc nãy vẫn như xưa, chẳng có gì thay đổi cả.
Cha Khương bất đắc dĩ nói: “Để con đi nấu canh gừng cho mẹ ấm người.”
Bà cụ mang giày đi trên tuyết đọng, giày hơi ẩm ướt nên về phòng thay dép bông.
Khương Nghi lại bị con mèo Lục Lê đưa cho làm hắt hơi một cái, lẩm bẩm nói nhiều tro thật.
Lục Lê bật cười thả mèo xuống đất rồi kéo cậu về phòng.
Trong phòng, Khương Nghi ngồi chống tay trên giường nghiêng đầu hỏi: “Bà nội dẫn cậu đi lễ miếu à?”

Lục Lê khẽ gật đầu.
Hắn ngồi xuống tháo găng, thò tay vào túi ủ ấm rồi mới rút ra.
Khương Nghi cúi đầu nhìn Lục Lê vén ống quần lên cởi giày bông ra, cầm chân cậu đặt lên đầu gối, sau đó lấy một sợi dây đỏ xuyên đồng xu ra khỏi túi.
Lúc ngủ trưa Khương Nghi lười mang tất nên chân để trên đầu gối Lục Lê hơi lạnh, mu bàn chân thoáng chốc kéo căng.
Lục Lê cúi đầu tỉ mỉ đeo dây đỏ vào cổ chân cậu.
Khương Nghi hỏi: “Đây là gì thế?”
Lục Lê ngẩng đầu nhìn cậu một hồi mới nói đây là dây bình an.
Khương Nghi bật cười, cậu chồm tới xoa đầu người trước mặt rồi nói: “Arno, người lớn sợ trẻ con chết yểu nên mới đeo cái này thôi.

Đây là đồ của con nít đó.”
Lục Lê ừ một tiếng, cũng không tháo ra mà chỉ cúi đầu nhìn đồng xu kia thật lâu không nói lời nào.
Khương Nghi nhìn sợi dây đỏ trên cổ chân rồi hỏi: “Cái này ở đâu ra vậy?”
Lục Lê kéo ống quần xuống cho cậu: “Vị sư già trong miếu cho đấy.”
Khương Nghi kinh ngạc cúi đầu nhìn lại sợi dây đỏ, kỳ quái nói: “Tớ nhớ bà nội nói vị sư già trong miếu kia khó tính lắm mà.”
Nhớ lại lời vị sư già nói với mình, Lục Lê im lặng giây lát rồi hời hợt nói: “Chắc tại hôm nay tâm trạng tốt ấy mà.”
Hắn không kể vị sư già kia nói lần đầu thấy một người nước ngoài tóc vàng quỳ lạy Bồ Tát thành kính đến vậy.
Dù sao ngôi miếu này đã quá lâu đời quá hoang tàn, lâu lắm rồi không thấy ai thành kính như thế nữa.
Vị sư già hỏi hắn quỳ trước Bồ Tát cầu xin điều gì.
Hắn nói muốn cầu cho người mình yêu cả đời không bệnh tật không tai ương.
Nếu không được cũng chẳng sao.
Hắn gánh được.
Cứ chuyển hết cho hắn để hắn gánh là được rồi.
———
Sáng hôm sau, Lục Lê dậy sớm chuẩn bị lái xe về nhà họ Lục.
Khương Nghi theo hắn ra cổng, Lục Lê cúi đầu sửa khăn quàng cổ cho cậu rồi bảo cậu vào nhà đi, đừng ở ngoài sân mà bị lạnh.
Cha Khương đi dạo trong sân, ông chắp tay sau lưng, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu nhìn Khương Nghi và Lục Lê ngoài sân.
Khương Nghi quay đầu nhìn rồi băn khoăn hỏi thầm: “Ba làm sao thế nhỉ?”
Trong lòng Lục Lê cũng biết cha Khương không muốn thấy Khương Nghi ở gần hắn như vậy.
Hắn lắc đầu rồi tìm cớ thấp giọng nói: “Bên ngoài gió lạnh lắm, chắc chú Khương sợ cậu bị cảm thôi.”
Khương Nghi gật đầu rồi vừa vẫy tay vừa đi vào nhà, còn dặn hắn lái xe chậm một chút.
Lục Lê đút tay vào túi, sau đó kính cẩn nói với cha Khương đang tản bộ trong sân: “Chú Khương, cháu về trước ạ.”
Cha Khương chắp tay sau lưng đi tới chỗ hắn.
Thấy cha Khương tới gần, Lục Lê còn tưởng mình làm sai chuyện gì nên đắn đo một lát rồi nói: “Chú yên tâm, mấy ngày tới cháu không về bám bé ngoan nữa đâu ạ……”
Còn chưa dứt lời thì một bao lì xì đã giơ lên trước mặt hắn.
Lục Lê sửng sốt.
Cha Khương cầm bao lì xì, dựng râu trợn mắt hỏi: “Sao, không lấy à?”
Lục Lê như mới bừng tỉnh khỏi mộng, hắn há to miệng sững sờ nhìn cha Khương.
Từ khi biết Khương Nghi hẹn hò với hắn, mỗi lần đi xa cha Khương không còn lì xì cho hắn lấy hên nữa.
Lúc trước chưa biết Khương Nghi ở bên hắn, mỗi lần xa nhà ông đều lì xì cho hắn, xem hắn như con mình vậy.
Tựa như chỉ một lát sau, lại giống như đã qua thật lâu.
Lục Lê nhận lấy bao lì xì, thoạt nhìn hết sức bình tĩnh.
Nửa tiếng sau.
Chiếc siêu xe màu đen đậu ở cổng thôn suốt nửa tiếng.
Lục Lê ngồi trong xe còn đang bần thần nhìn bao lì xì đặt trên tay lái.
Lại thêm nửa tiếng sau, Khương Nghi ngồi trong phòng xem tivi với bà nội nhận được một tin nhắn.
Cậu cúi đầu mở ra xem, phát hiện là Lục Lê nhắn tới, sau đó khẽ giật mình.
Lục Lê: [Hình ảnh]
Lục Lê: Bé ngoan, ba lì xì cho tớ rồi nè..


Phím tắt:←

Phím tắt:→

Chương trước


Tiểu thuyết cùng thể loại

Bác Sĩ Giang Mang Thai Con Của Đối Thủ Một Mất Một Còn
Bác Sĩ Giang Mang Thai Con Của Đối Thủ Một Mất Một Còn
Mọi người đều biết khoa phụ sản bệnh viện Tế Hoa trực thuộc đại học y A có hai vị bác sĩ phó trưởng khoa “Vương bất kiến Vương” Từ lúc vào đại học, đến lúc tốt nghiệp…
Ảnh Đế Và Cái Bẫy Dài Hơi
Ảnh Đế Và Cái Bẫy Dài Hơi
Hạ Thư của mười năm trước chỉ là một thiếu niên 19 tuổi, còn là một tay mơ bước vào giới giải trí. Còn Trình Chinh đã 24 tuổi, lại còn là một ngôi sao có tiếng tăm…
Bản Năng Si Mê
Bản Năng Si Mê
Bạn đang đọc truyện Bản Năng Si Mê của tác giả Tiểu Ngô Quân. Trường trung học Tây Giang số 1, mọi người đều biết 2 nam thần Alpha của họ, cùng ở lớp 11/1 là kẻ thù…
Bạo Quân Sủng Hôn Hằng Ngày
Bạo Quân Sủng Hôn Hằng Ngày
Tống Tụng đời trước bị người rót thuốc sinh tử, sau đó bị hiến cho bạo quân mà ai ai cũng sợ hãi, lại còn mắc chứng điên cuồng. Qua một đêm xuân sắc, y nghe người khác…
Anh Biết Mình Sắp Mất Em
Anh Biết Mình Sắp Mất Em
Y nghe một giọng có vẻ non nớt nhưng thong thả vang lên: “Tam Văn, phỗng*.” Bất chợt có người để ý Thẩm Cảnh Viễn, gọi Nam ca, có khách tới Đám người tụ xung quanh chừa đường…
[Xuyên Nhanh] Sau Khi Vứt Bỏ Tra Công
[Xuyên Nhanh] Sau Khi Vứt Bỏ Tra Công
Đường tiểu thiếu gia có tiền có sắc, hết lần này tới lần khác phạm mệnh hoa đào nát, nhiều lần bị tra công lừa tiền lừa tình cảm, một ngày nọ vì tức giận mà gia nhập…

0
Bình luậnx
Đọc truyện Full