Khi nghe thấy kinh nguyệt của mình vẫn chưa đến, mặt Thôi Phù không có vẻ gì là vui mà trông buồn bực ra mặt.
Miên Đường thấy sắc mặt của tỷ tỷ không đúng, lập tức hỏi: “Sao thế? Tỷ tỷ cảm thấy trong người không khỏe chỗ nào?”
Thôi Phù say sóng đến đầu óc choáng váng, tất nhiên trong người không khỏe, nhưng điều khiến tâm tình nàng ta không thoải mái nhất là nhớ lại chuyện cũ khi mình mang thai Cẩm Nhi.
– –ĐỌC FULL TẠI TRUYENFULL.VN—
Mẹ chồng nàng ta là phu nhân Khánh quốc công An thị, tính tình nghiêm khắc. Lúc trước, nàng ta vất vả lắm mới mang thai Cẩm Nhi mà chẳng được đối xử tốt chút nào, giờ nhớ lại, cảm thấy trong lòng buồn không chịu nổi.
Bây giờ mình lại có thai, phủ An quốc công vừa mới dời vào kinh, trong nhà ngoài phủ chỉ có mình tức phụ nàng ta bận rộn lo liệu, đến lúc đó nàng ta ăn có tiêu không vẫn chưa biết được.
Tất nhiên là Thôi Phù sẽ không kể với Liễu Miên Đường những chuyện đó. Đệ muội này của nàng ta đúng là có phúc, chỉ là ăn chén tổ yến vụn thôi mà mẫu thân đã đau lòng đến vậy. Nếu gặp người mẹ chồng như An thị, e là người liễu yếu đào tơ như Liễu Miên Đường phải chịu giày vò rồi.
Cho nên nghe Miên Đường hỏi, Thôi Phù mất kiên nhẫn nói: “Nôn như thế này làm sao không khó chịu? Không biết y thuật của muội có chính xác không nữa, đợi lên bờ tìm lang trung tới bắt mạch đi…”
Thôi Phù định cố chịu thêm mấy ngày, cố chịu đến khi thuyền tới kinh thành là được.
Ai ngờ sau một đêm thuyền cập bến, Hoài Dương vương lại tìm mấy chiếc xe ngựa tới, chuẩn bị chuyển sang đi đường bộ.
Thôi Phù biết đệ đệ vội vào kinh báo cáo, thế nhưng nếu đi đường bộ thì phải kéo dài thêm mấy ngày.
– –ĐỌC FULL TẠI TRUYENFULL.VN—
Có điều Thôi Hành Chu lại nói: “Miên Đường nói tỷ có thai, nếu đã nôn đến vậy e là trong người không khỏe, để tỷ một mình đi đường sợ tỷ xảy ra chuyện ngoài ý muốn, đã thế thì tất cả đều chuyển sang đi đường bộ, cũng không trễ mấy ngày.”
Thôi Phù nghe thế có chút sốt ruột: “Vạn tuế đích thân triệu đệ vào kinh, sao có thể vì ta mà trễ nải?”
Thôi Hành Chu biết tính tình tỷ tỷ bướng bỉnh, có điều hắn đã quyết định rồi, cắt lời tỷ tỷ: “Đừng nói nhiều nữa, cũng không trễ mấy ngày, chuyện đi đường sao tính chuẩn được đúng ngày đúng tháng?”
Nói xong, hắn phân phó thị vệ chuyển một ít đồ đạc trên thuyền sang xe ngựa, sau đó để thuyền chở các hành lý khác, tiếp tục đi đường thủy.
Sau khi lên xe ngựa, Thôi Phù vẫn còn giận Miên Đường nhiều chuyện, làm đệ đệ trễ nải.
Miên Đường múc cho Thôi Phù một bát canh gà đen hầm cẩu kỷ Lý ma ma nấu, bảo nàng ta làm ấm dạ dày nôn đến trống không, sau đó mỉm cười nói: “Là muội cảm thấy không khỏe mới xin Vương gia chuyển sang đi đường bộ, vả lại không phải Vương gia nói đi trễ mấy ngày cũng không sao mà? Tỷ tỷ đừng nghĩ nhiều, an tâm nghỉ ngơi đi.”
Thôi Phù biết vị đệ muội này của mình làm gì có chỗ không khỏe! Mang thai lâu như vậy rồi mà nàng vẫn ăn được ngủ được, tới tận bây giờ cũng chưa thấy nàng khó chịu chỗ nào. Có điều Miên Đường nói vậy, hiển nhiên sợ mình tự trách bản thân thôi.
Nói thật ra, ở chung nhau đã lâu, ít nhiều gì Thôi Phù cũng nhìn ra lý do tại sao người xuất thân bình thường như Liễu Miên Đường có thể khiến cho người cao ngạo như đệ đệ bị mê muội đến thần hồn điên đảo.
Vị cô nương này không chỉ đẹp mà còn có khí chất khó tả. Kiểu người khoan dung rộng lượng này khác hẳn Liêm biểu muội cố tỏ ra hiền thục trước kia.
Chuyện nhiều nữ tử không làm, vào trong mắt vị huyện chủ này giống như chỉ là việc vặt không đáng nhắc tới, khiến cho đôi lúc Thôi Phù hơi nặng lời với nàng cảm thấy mình giống như đang gây rối vô lý với trẻ con, dưới ánh mắt bao dung như bậc trưởng lão của đệ tức*, lửa giận dần biến mất.
*Em dâu.
Giờ Miên Đường chủ động gánh việc làm trễ nải hành trình, Thôi Phù cũng không nói được gì nữa, đành nhận lấy bát canh, giọng điệu dịu đi, thở dài nói với Miên Đường: “Muội đó… Lúc nào cũng phải nhớ rõ phu quân của muội chính là rường cột nước nhà, không phải thân sĩ thôn quê, có thể nhàn nhã tự tại, mấy chuyện trong phủ đừng có làm phiền đệ ấy nữa.”
Miên Đường lột quýt, nói: “Tỷ tỷ nói đúng, muội đều nhớ kỹ… Buổi trưa bảo Lý ma ma nấu canh chua cá được không? Món phụ ăn với cơm, hấp thêm ít củ cải muối để ăn sẽ càng ngon hơn.”
Từ nhỏ đến lớn, Thôi Phù chưa từng ăn củ cải muối, không khỏi nói: “Đây đều là món phụ gì vậy? Nghe muội nói có vẻ rất ngon nhưng bây giờ ta không có khẩu vị, muội thích ăn gì thì ăn theo muội chút vậy.”
Miên Đường thèm củ cải muối dã man. Tháng ngày sống “tiết kiệm” ở phố Bắc, bất đắc dĩ phải ăn củ cải muối với cơm, gần đây lại thường hay mơ thấy món đó, cho nên nàng bảo Lý ma ma phơi nắng một ít mang theo ăn trên đường đi.
Đến giữa trưa, đoàn xe tìm một chỗ bằng phẳng trên đường đê nghỉ chân và nấu cơm.
Hai người bụng to là Miên Đường và Thôi Phù mỗi người ngồi trên một chiếc giường xếp phơi nắng.
Chốc sau, mùi thức ăn thơm phức, đúng là canh chua cá và củ cải muối chưng đậu tương Miên Đường muốn ăn. Từ sau khi xuống thuyền Thôi Phù, tuy ở trên xe ngựa vẫn có chút xóc nảy nhưng cảm giác thoải mái hơn ở trên thuyền nhiều, ngủ một giấc thật ngon đến trưa, giờ ngửi thấy mùi củ cải cũng cảm thấy có chút đói bụng.
Miên Đường dạy Thôi Phù trộn cơm với các món phụ và canh lại ăn cùng. Còn Hoài Dương vương ở bên cạnh ăn cơm dường như căm thù củ cải đến tận xương tuỷ, chạm vào cũng không chạm vào.
Đương nhiên là Thôi Hành Chu không thích ăn món này, lúc trước khi giả làm thương nhân phá sản ở phố Bắc, trên bàn cơm ở tiểu viện toàn là nấu từ củ cải, tuy cũng chia ra các cách ăn muối, hấp, trộn tương nhưng đều ăn không ngon như nhau.
Thôi Hành Chu không hiểu tại sao mang thai đột nhiên Miên Đường muốn ăn món này, có điều thai phụ là lớn nhất, thấy nàng và tỷ tỷ ăn ngon miệng, hắn cũng cắn một miếng.
Để chăm sóc ăn uống đi lại cho thai phụ khiến cho hành trình chậm hơn dự kiến ban đầu rất nhiều. Có điều sau nghĩ lại thì mọi chuyện cũng do âm thoa dương thác*, trời xanh rủ lòng thương.
*Tai nạn xảy ra ngẫu nhiên.
Ngày thứ hai bọn họ chuyển sang đi đường bộ, bên bến tàu có người phái khoái mã đi vòng trở về báo tin cho Hoài Dương vương nói là khi thuyền lớn đi ngang qua sông Luyện, gặp phải trận nổ trên sông, đầu thuyền bị phá một lỗ thủng to, nước sông tràn vào ào ạt, không đến một nén nhang toàn bộ thuyền đều chìm.
Có rất nhiều thủy thủ trên thuyền chạy không kịp, mặc dù bơi giỏi nhưng vẫn bị xoáy nước khi thuyền chìm kéo vào trong nước, không sống nổi.
Sau đó hộ vệ thuyền bắt được thủ phạm chôn thuốc nổ, đó là do một nhóm lái thuyền địa phương chôn, trước giờ bọn họ có thói quen đánh thuốc nổ cá, dân bản xứ đều biết.
Chỉ là bình thường ít có thuyền qua lại trên sông, lần này đến sông Luyện đánh thuốc nổ cá mới gây ra đại họa khủng khiếp này.
Quan binh hộ vệ thuyền cảm thấy không đúng, theo lý thuốc nổ người dân địa phương cho đánh cá cũng không nhiều đến mức nổ to đánh đắm thuyền. Cẩn thận điều tra lại mới phát hiện trong số lượng thuốc nổ bao thuốc nổ bọn họ dùng nhiều gấp đôi bình thường, sợ là có chết mấy người đánh cá đó cũng không thừa nhận, nói là lúc ấy mình không dùng nhiều thuốc nổ như thế.
Thôi Hành Chu nhíu mày lắng nghe, trong lòng hiểu rõ mấy người dân đánh cá ngu ngốc đó bị người ta đẩy ra làm người chịu tội thay.
Có người nhắm vào hắn, đặt rất nhiều thuốc nổ trên tuyến đường thuyền của Hoài Dương vương đi vào kinh.
Sông Luyện rất hẹp, chỉ cần chế thuốc nổ, lại canh đúng thời gian cho vào trong sông, tránh cũng không tránh được.
Thôi Phù ở bên cạnh nghe mà sợ tới mặt mày trắng bệch, nói thẳng nghĩ mà sợ.
Nàng ta nghĩ nếu không phải Miên Đường khuyên đệ đệ lên bờ kịp lúc, không chừng giờ này, cả nhà đều trở thành oan hồn thủy quỷ dưới đáy sông.
Trông Miên Đường rất trấn định, dịu dàng an ủi Thôi Phù, nói Vương gia cát nhân ắt có thiên tướng, hiện giờ cũng sắp đến kinh thành, quãng đường còn lại cẩn thận một chút chắc không sao.
Mặc dù Miên Đường nói Thôi Hành Chu có cát vận*, thế nhưng Thôi Phù lại cảm thấy mẫu thân nói rất đúng, trong một lần trò chuyện riêng Sở thái phi từng nói với nàng ta rằng, tuy xuất thân của vị huyện chủ này không tốt nhưng có vẻ rất vượng bát tự cho Hành Chu, mấy lần hóa nguy thành an cho Thôi gia.
*Vận may.
Lúc ấy Thôi Phù cảm thấy là mẫu thân sợ mình làm khó dễ Liễu Miên Đường, thuận miệng bịa chuyện, giờ xem ra là thật, Hoài Tang huyện chủ nàng ta coi thường thật sự là có phúc tướng.
Đoạn đường tiếp đó, Thôi Hành Chu bố trí đội quân đi dò đường trước. Bởi vì lúc trước có quan binh hộ vệ thuyền nhạy bén, không cho người bên ngoài biết trên thuyền không có mấy người quan trọng bọn hắn, sớm sáng bọn họ đã đổi sang đi đường nhỏ, không để trạm dịch biết thân phận, cho nên địch nhân trốn ở chỗ tối tạm thời cũng không biết hành tung của Hoài Dương vương lúc này.
Có điều khi bọn hắn an toàn đến kinh thành, tin tức Hoài Dương vương và gia quyến chết vì chìm thuyền đã đồn ầm ầm khắp kinh thành.
Triều đình chấn động, Lưu Dục đế đương triều phái khâm sai đến sông Luyện điều tra rõ ngọn ngành. Khâm sai lĩnh hoàng mệnh, rời kinh ngay ngày hôm đó, đi khoái đĩnh* nhanh chóng tới chỗ Hoài Dương vương chìm thuyền.
*Thuyền máy.
Lúc này trên mặt sống chẳng còn gì, đội hộ vệ được Hoài Dương vương dặn dò, giả vờ không biết Vương gia rời thuyền, còn với tin đồn thì một mực trả lời không biết.
Lúc ấy quan phủ địa phương tạm giữ tất cả thuyền qua lại liên can, chờ triều đình điều tra.
Khâm sai triệu tập mấy chủ thuyền và tiểu nhị của những thuyền gần thuyền Hoài Dương đến, tự mình tra hỏi.
Mấy chủ thuyền đều lăn lộn trên sông nước được vài thập niên rồi, kinh nghiệm phong phú, đều từng nhìn thấy người ta đánh thuốc nổ cá để bắt cá. Nhưng lần này tiếng nổ vô cùng lớn, bình sinh bọn họ hiếm khi thấy. Bọn họ nhìn thấy đột nhiên ở phía dưới thuyền chính của Hoài Dương vương xuất hiện cột nước lớn nhấn chìm toàn bộ mũi thuyền, mũi thuyền chìm xuống mặt sông, sau đó bọn họ nghe thấy một tiếng một tiếng nổ lớn và tiếng nước bắn tung tóe trên mặt sông, mấy tiểu nhị thính lực tốt bị tiếng nổ làm ong ong hết cả tai.
Quá trình hung hiểm này được viết trong tấu chương gửi về kinh thành, không ai tin được Hoài Dương vương sẽ còn sống.
Công thần bình định Tây Bắc thế mà lại chôn thân dưới đáy sông, văn võ cả triều đều chìm trong bi thống thương cảm, đặc biệt là tân đế sau khi nghe nói Hoài Dương vương và cả tân thê tử gặp nạn, không kiềm được đau xót, sau khi đọc tấu chương, phun ra một ngụm máu.
Người hầu bên cạnh hoảng hốt, vội vàng gọi thái y đến chẩn trị cho bệ hạ.
Đúng lúc này, Hoài Dương vương lại phái người vào kinh bẩm báo, nói hắn đã đi tới cổng thành.
Này không khác gì xác chết sống dậy! Thạch hoàng hậu lạnh giọng dặn dò thái giám đến bẩm báo, từ từ nói ra chuyện Hoài Dương vương chưa chết, tránh cho bệ hạ quá buồn lại quá vui, ảnh hưởng sức khỏe.