Ba tháng liền sau đó vừa nóng nực vừa trống trải.
Tôi cứ như người đi trong mơ, tự tính điểm, nộp nguyện vọng, lên đường đi du lịch, giữa đường lên mạng dò điểm, qua được mức điểm chuẩn, nhận thông báo nhập học. Sau khi biết mình đã đậu, tôi tới ở chơi tại nhà bà. Đến khi về lại Trung học số 9 để lấy thư nhập học thì đã là cận ngày khai giảng.
Người đến lấy thư nhập học cùng một ngày với tôi là Khâu Hàng.
Cái tên này vừa thi Đại học xong là bị hốt đi miền Nam quay bù một vài cảnh với phối âm lại, cũng mới trở về.
Hai đứa bọn tôi đụng nhau ngay trước văn phòng của cô Sử, cùng ngó qua thư nhập học của nhau, hai cái mặt đều ỉu xìu như bánh đa ngâm nước.
“Vắt chân lên cổ bao nhiêu lâu, cuối cùng thành là hai đứa mình đi Bắc Kinh.” Khâu Hàng chia tôi một cục kẹo cao su nhai thơm miệng, rất có tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. “Nhà cậu đồng ý không bắt cậu học lại nữa rồi hả?” Tôi hỏi.
“Đồng ý rồi, chắc cho là dù có học lại tớ cũng chả thi đỗ nổi trường y nào đàng hoàng. Với lại tự tớ cũng thấy đóng phim khá là thú vị.”
“Vậy phim của cậu có trình chiếu được không?”
“Chắc là được thôi, chị Hoan nói có thể ra rạp Tết năm sau ấy.”
Trước đây nói là hè chiếu sau đó dời tới quốc khánh, vậy là bây giờ lại dời tiếp à?
Cậu ấy ngồi trên sân thượng trường, cũng là chỗ ưa thích của Minh Vũ, hỏi tôi: “Vậy cậu có đi Mỹ không?”
“Không đi.”
Câu hỏi này chỉ mấy ngày hè tôi đã bị bao nhiêu người hỏi tôi cũng không đếm hết, bao gồm cả ba mẹ tôi. Chả qua, hai vị thì quan tâm nhiều hơn chuyện tự nhiên đùng cái được báo tin đứa nhỏ nhà mình công khai yêu đương cặp kè, còn là lá cờ đầu trong đám bạn bè cùng lứa ở thành phố Hàng Thiên.
May là cả hai đều tương đối bình tĩnh, cũng không tỏ ra gay gắt gì. Dường như muốn thông qua chuyện “ba mẹ lắng nghe, ba mẹ thấu hiểu” ứng phó với thời kỳ phản nghịch tới muộn của tôi.
… Trừ việc ra ngoài đều phải nói bố mẹ, tối 8 giờ phải về nhà, cách 2 tiếng sẽ có điện thoại gọi kiểm tra.
Tưởng Dực tháng tám bay đi Mỹ đoàn tụ cùng ba mẹ, sau đó sẽ nhập học luôn.
Lúc ấy Khâu Hàng cũng đang ở Bắc Kinh nên có đi tiễn. Khâu Hàng bảo tôi: “Tên ấy trông gầy hẳn.”
“Cậu ấy cứ hè là gầy.” Tôi nhìn quanh quất sân trường mà mình sắp phải nói lời chia tay, miệng nói: “Qua đầu thu là bớt thôi.” Khâu Hàng cũng chẳng nói tiếp, cả nửa buổi sau mới hỏi: “Ngày mấy cậu đi? Hai mình mua vé chung?”
“Được, Trang Viễn và Diệc Phi chắc cũng đi tầm đó, tối mình nhắn nhóm QQ thử xem.” Tôi ngoảnh lại bảo cậu ấy: “Mai Minh Vũ đi rồi, qua nhà bà ngoại cậu ấy 2 tuần trước rồi lên trường đăng ký nhập học, cậu đi tiễn cậu ấy không?”
Khâu Hàng mất hết vẻ hiền hoà vẫn thấy: “Mai rồi nói.”
Con người có tính cách dễ chịu như Khâu Hàng trong chuyện này lại cực kì cứng cổ, khiến các bạn tôi đều không hiểu. Nhưng tôi thì chẳng bao giờ nói gì. Bởi vì cậu ấy buồn thế nào, tôi đều biết rõ.
Tôi rất sợ phải chia xa, nhưng tôi càng sợ hơn khi cậu ấy quyết định ra đi tôi là người cuối cùng được biết. Trước năm 17 tuổi, tôi và Tưởng Dực cũng có rất nhiều dịp tưởng chừng sẽ phải xa nhau.
Hồi còn bé, bà tôi thương ba mẹ tôi bận rộn, muốn bế tôi về nuôi, mẹ tôi xót ruột không nỡ, lúc ấy người bầu bạn cùng tôi là cậu nhóc cũng có ba mẹ đều đi làm toàn thời gian là Tưởng Dực.
Sau đó lên tiểu học, vì hai đứa tôi hay nghịch hay bày trò còn hay phụ hoạ nhau, cô Kim đã mấy lần đe là sẽ tách bọn tôi ra hai lớp, nhưng rồi cô vẫn mềm lòng.
Sau đó nữa, ba tôi từng bị cử đi phụ cho xí nghiệp chi nhánh phía nam. Bên ấy họ hy vọng cả nhà tôi cùng đi theo, đãi ngộ rất hấp dẫn, nhưng ba tôi cân nhắc hồi sau lại từ chối.
Sau đó nữa nữa, chú Tưởng ở hẳn lại Mỹ làm, cũng từng định để Tưởng Dực ra nước ngoài học trung học, nhưng cuối cùng cũng chẳng xong.
Sau đó đến lúc chia ban Văn Lý, tôi trường kỳ có thù với Lý nên đã định chọn Văn, Tưởng Dực giáo dục công dân chỉ chuyên đánh lụi thì nhắm học Lý, nhưng đến cuối lại mọc ra chương trình tổng hợp, thế là chúng tôi chẳng cần phải tách nhau ra. Chúng tôi là một trong hai lứa duy nhất của cả tỉnh không chia ban học, có lúc ngồi nghĩ lại, tôi bèn có cảm giác như chuyện ấy là để giúp chúng tôi không phải xa nhau.
Nhưng mà đó cũng chỉ là vì, chúng tôi không muốn xa nhau.
Chỉ cần một bên muốn ra đi, thì lần này sẽ là xa thật.
Tôi từ trường ngồi xe về đến thành phố Hàng Thiên bèn đi thẳng tới nhà Minh Vũ. Hoá ra cậu ấy vẫn đang thu xếp hành lý chưa xong, vừa thấy tôi bước vào là la rần lên: “Doanh Tử, qua giúp đè phụ tớ với, cái vali này tớ cài không nổi.”
Tôi chạy sang nằm bẹp xuống vali cậu ấy, hỏi: “Thế này được chưa?” “Ai đúng đúng đúng, cậu đừng nhúc nhích, tốt quá rồi kéo khoá được rồi!” Phương Minh Vũ ngồi phịch xuống bên cạnh vali, hệt như bị vắt kiệt sức. Tôi lật mình, nằm nghiêng trên thân vali. Ngoài cửa sổ tầng bốn có chú chim nào đang kêu lích rích.
Minh Vũ tựa vào tôi cùng vali, cả hai bọn tôi đều không nói gì, chỉ nghe có tiếng thở rất khẽ khàng của con gái. Nghe như tiếng gió mùa hạ lật phật ngoài cửa sổ.
Minh Vũ nói: “Ngày mai cậu đi tiễn tớ chứ?”
“Ừ.” Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, “Nhưng lần này tớ sẽ không khóc nữa đâu.” Hôm tiễn Quan Siêu đi ở ga tàu, tôi suýt nữa thì khóc đến đứng không vững.
Đương nhiên không chỉ vì buồn phải chia tay bạn, mà còn vì đau lòng thương bạn. Khi ra khỏi trường thi, mỗi người chúng tôi đều biết ngày chia ly đã đến trước mặt.
Sau kì thi Đại học, Quan Siêu giống như lon nước ngọt đã bị lắc kịch liệt, bật khoéng lên sẽ “bang” một tiếng chát chúa. Ba của Quan Siêu kí hợp đồng với xí nghiệp, đi Châu Phi 5 năm, đợi cuối tháng điểm thi của cậu ấy được công bố xong là lên đường.
Phúc lợi của hạng mục công tác này là con của cán bộ sau khi tốt nghiệp Đại học sẽ được nhận ngay vào làm việc tại xí nghiệp. Quan Siêu mãi đến ngày cuối nộp đơn nguyện vọng mới hay biết chuyện.
Khi đó, ba của cậu ấy cứ nằng nặc đòi cậu ấy phải đăng kí thi bậc cao đẳng của Đại học, dù phải học trả tiền cũng được, nhất định phải lấy được bằng về. “Thi chuyên khoa Đại học làm mất mặt ông? Hay tôi làm ông mất mặt?” Lúc Quan Siêu gầm to, tông cửa định bỏ đi, thì người đàn ông ấy bỗng quỳ xuống. Quan Siêu đứng chết trân tại chỗ.
Người đàn ông ấy như bị dồn vào đường cùng, nói: “Ba xin con có được không? Con nghe lời ba lần này, sau này ba không quản gì con nữa.” Quan Siêu đứng quay lưng lại, hồi lâu sau mới buông một câu: “Trước đây ông có quản tôi à hay là sao?”
Người đàn ông ôm đầu khóc nghèn nghẹt: “Ba có lỗi với con, là ba có lỗi với con, con nghe ba lần này được không? Con chỉ cần đậu đại học, ba đi Châu Phi năm năm, đổi cho con một suất nhận vào làm, có thể cũng chẳng ra hồn gì lắm, nhưng coi như là bù đắp của ba cho con.”
Bấy giờ Quan Siêu mới hay bố của mình sắp đi châu Phi.
Cậu ấy quay ngoắt lại, trông thấy trên mái đầu đang run rẩy của người đàn ông trung niên là màu tóc muối tiêu ngả trắng.
“Ba chỉ có một chút nghề này, không thể giúp gì được cho con, ba muốn đánh đổi để con có cái bảo đảm cả đời, có thể chẳng phải là đầu ra tử tế gì… nhưng nói sao đi nữa bằng đại học thể nào thì cũng có giá hơn. Con tốt nghiệp không về làm cũng không sao, muốn về ít ra có chỗ để kiếm miếng cơm nuôi gia đình. Lúc con còn bé ba đánh con là ba sai, ba xin lỗi con… xin lỗi con! Giờ thì nói gì cũng muộn rồi, muốn bù đắp cho con cũng không có cách nào, con không cần tha thứ cho ba, nhưng mà, lần này, có thể nghe ba được không…”
Quan Siêu lùi lại mấy bước, nước mắt thi nhau lộp bộp rơi xuống, nhưng cậu ấy không hề hé răng.
Người đàn ông khóc đến co rúm lại dưới sàn.
Quan Siêu xoay người đạp đổ cả bàn lẫn ghế trong phòng, bất kể tất cả lao đầu chạy ra.
=======