Tưởng Dực chạy như bay kéo theo cái đứa tôi vẫn đang khóc oà lên, hộc tốc gom cà chua, măng tây, thịt bò, rau thơm, gạo Nhật, các loại gia vị cộng thêm gừng, tỏi, hành, sau đó che mặt lôi tôi ra khỏi chợ, tới chỗ một chiếc xe con kiểu cũ đậu bên đường, nhét luôn tôi cùng với cả đống đồ vừa mua vào xe.
Tôi ngồi ở ghế sau sụt sùi mãi, cậu ấy nói gì cũng chẳng chịu đáp.
Mãi đến khi chiếc xe xịch đỗ ở khu tập thể cán bộ của đại học bên cạnh, Tưởng Dực tắt máy xong mới quay qua, nản hết mức: “Được rồi chưa Hoàng đại hiệp, cậu định khóc ngập làng ngập nước luôn à?”
Giờ tôi mới bắt đầu chú ý, sụt sịt hỏi: “Đây là đâu thế?” “Nhà của ông tớ.”
Ổ đúng rồi, hắn là người có nhà ở Bắc Kinh, nhưng mà lần trước về không phải vẫn ở khách sạn à? Sao lần này lại về nhà? “Lên lầu đi, chiều tớ vừa về, còn chưa dọn dẹp xong.”
Tôi nghe lời xuống xe, cả hai chia nhau chiến lợi phẩm mua từ chợ rồi cùng lên lầu. Sực tôi quay ngoắt lại, nhìn chằm chằm cái xe kiểu cũ mình vừa xuống.
Ấy là một con xe sản xuất từ thời Liên Xô, thiết kế đúng kiểu anh bạn gấu, góc cạnh láng coong mà không bị màu mè. Có điều, kiểu xe này dừng sản xuất đã mấy đời, tuy được bảo dưỡng rất tốt nhưng vẫn nhìn ra được dấu vết của năm tháng.
“Sao thế?” Tưởng Dực mở cổng lên cầu thang của dãy nhà, ngoái lại hỏi: “Lại có gì à?”
Con xe này rất nổi bật, trông lại còn quen quen giống như đã thấy ở đâu…
Bỏ ngoài tai tiếng Tưởng Dực réo gọi, tôi xách đồ quành về nhìn kĩ con xe, quay qua mới hỏi: “Xe này của cậu à?” “Coi như là thế.”
“Sao lại coi như là?” Kiểu xe đời cũ này cả Bắc Kinh cũng chẳng còn mấy chiếc!
“Của ông tớ, cứ để đậu ở bãi xe bên này, cô tớ thi thoảng dùng, tớ về thì đưa tớ lái.”
Tôi sụt sịt ngó trân trân lấy cậu ấy, nghĩ mất một lúc, hỏi: “Năm ngoái lúc cậu về nước, có phải từng lái cái xe này tới trường tớ không?”
Ánh mắt xưa giờ luôn trầm tĩnh của Tưởng Dực bỗng dưng có gì đó lập loè, từ ngượng đâm cáu: “Cậu có vào hay là không? Không vào tớ lên một mình.” Cái tên hắn đùng đùng tông cửa leo thẳng lên lầu.
Thế là chả cần hắn trả lời tôi cũng biết, lòng tươi như nở hoa, “Tớ lên đây, lên đây!”
Cái xe bận tôi ra chờ Niệm Từ trước cổng trường nhìn thấy chính là xe của hắn! Lúc đó còn tưởng là cổng trường không an toàn, ai ngờ thì ra là Tưởng đại gia đương đứng đợi.
Cái người này nói năm ngoái lúc về nước có đi tìm tôi, là thật chứ không phải nói dối. Tôi đi tò tò theo sau hỏi: “Tại sao tới tìm tớ lại không xuống xe?”
“Ai đi tìm cậu?” Tưởng đại gia nổi đoá lên, mở mà giật muốn bung cái cửa, “Tớ vào nấu cơm, cậu đi mà lau nhà, chà cho sạch cửa sổ với bàn ăn.” “Đã đi tìm tớ rồi sao không chào hỏi câu nào?”
Cậu ấy bỗng dưng quay phắt lại, điềm tĩnh hỏi tôi: “Cậu tới triển lãm phim xem phim của tớ, làm sao mà khóc?” Tôi lập tức quay đầu ngó phải ngó trái, miệng nói sang chuyện khác: “Cậu kêu tớ tới là để làm việc à?”
Quên béng mất cái thóp này! Lúc đó hắn có mặt suốt cùng R.Mask tại triển lãm, lại bị hắn tia thấy cơ chứ mất mặt chết đi được! “Thất nghiệp rồi còn không đụng tí việc thì tính ngồi chơi xơi nước à?” Tưởng Dực cũng không dồn tôi tới đường cùng, xoay mình đi vào.
Thấy ghét, xát muối vào vết thương của người ta!
Ghét hơn nữa là, từ phòng bếp lại bay ra một câu, “Lau nhà không sạch thì khỏi ăn.” “Biết rồi!”
Tôi đóng cửa lại, nhìn hai bịch dép mới toanh để chỗ vào nhà, một đôi nam một đôi nữ, đôi nam đã bị Tưởng Dực lấy ra đi. Bên cạnh là mấy túi mua hàng của Walmart, trong nhét căng một núi đồ dùng sinh hoạt còn chưa xé bao ngoài: cây lau, chổi, nướu lau chùi, bột giặt, ấm đun siêu tốc, nồi niêu xoong chảo… bộ bát đũa nhìn là biết Tưởng Dực chọn, bằng sứ trắng chỉ viền một đường xanh nhạt trên miệng bát.
Tôi gỡ từng món ra để lên, sau đó nhảy chân sáo xuống bếp, tựa ngạch cửa ló đầu vào.
“Mang bộ dao trong túi đồ ra đây, tớ hơ lửa chút rồi dùng.” Tưởng Dực xoay lưng lại phía tôi vừa rửa rau vừa nói. Tôi đứng im.
Cậu ấy ngoảnh lại, vẻ cảnh giác: “Làm gì?”
“Lần này cậu về là không đi nữa rồi đúng không?” Lòng tôi tràn đầy mong đợi.
“Tuần sau tớ đi.”
“Vậy về làm gì!” Tôi tức mình giậm chân.
“Chị hai em còn chưa tốt nghiệp có được không hả?” Có vẻ hắn vừa nhận rõ sự thật là đã hết đường thoát thân, bó tay toàn tập từ chỗ vòi nước xoay người lại, chường bộ mặt “cậu ấm đầu à”: “Tớ đến cái bằng còn không lấy nổi thì ông ngoại giết tớ chết tươi! Nửa đầu năm đã xin nghỉ ở cạnh cậu suốt, cậu nói câu nào có lương tâm tí đi…”
Tôi còn đương tức bực vò đầu, bỗng nghe ra ý chính trong lời hắn: “Nửa năm trước cậu nghỉ học là để về ở cạnh tớ à?”
“… Gì?”
“Không phải cậu về là do công việc à?”
Tưởng Dực trả lời ngay tắp lự: “Đương nhiên là do có công việc.”
“Không phải tại đám cưới của Quan Siêu không muốn đi về mệt?”
“Là do có công việc.” Tưởng đại gia cắn chặt lời khai.
…
Tôi cười hehe nhìn hắn: “Vậy là về để ở cạnh tớ rồi?”
Lỗ tai Tưởng Dực đỏ lên thấy rõ, hắn hầm hầm quay đi: “Lau nhà mau!”
Lòng tôi nở nguyên bông hoa, chạy tới sau lưng Tưởng Dực, kiễng chân ngó: “Hôm nay nấu món gì ngon ấy?”
“Đã bảo là gân bò sốt cà chua.” Hắn cáu điên lên ngoái lại, thế là va ngay phải ánh mắt tôi.
Tim tôi tự nhiên cuống cuồng đập.
Ấy là biển hồ đêm, trầm tĩnh, trong suốt, chỉ mình tôi lọt thỏm ở giữa.
Hai chúng tôi đã rất lâu không thấy mình trong mắt người kia ở khoảng cách gần như vậy. Tôi ở trong ấy thật là lạ lẫm. Mấy năm không gặp, thì ra hiện tại tôi trông như thế này.
Tưởng Dực thì sao? Cậu ấy có nhìn thấy bản thân mình trong mắt tôi không? “Tớ…” Tôi muốn nói gì đó, tôi thấy mình nên nói gì đó, thế nhưng Hoàng Doanh Tử bình thường viết bay bay hàng bao nhiêu trang giấy giờ lại như gà mắc tóc. Cả gian phòng chìm trong thinh lặng.
Chính vào phút giây ấy, Tưởng Dực ngoảnh đầu về, tiếp tục rửa rau, giọng bình tĩnh: “Cây lau nhà có thể phải ráp lại mới dùng được, cậu không biết thì để đó cho tớ. Cậu dọn phòng ăn với lau bàn ăn trước đi.”
Đương dồn bao nhiêu sức lực lại tự nhiên gãy ngang xương, tôi nhún vai, tức anh ách: “Gân bò đừng có thái to quá.” “Biết rồi.”
“Nhớ cho nhiều cà chua!” “Ừ.”
“Tớ muốn ăn cái vị sốt chua nồng lên ấy!”
Cậu ấy bực tức cười gằn, nhưng rốt cuộc vẫn trả lời đàng hoàng: “Được rồi, chắc chắn vị giống y ở nhà.” Đòi hỏi bản thân hơi bị cao, còn tự so với cả ba tôi.
Nhưng tôi cũng không vắt ra được yêu cầu nào ngang ngược hơn, đành ỉu xìu quành lại vòng khách, ráp cây lau với chổi, bới thêm găng tay cao su và giẻ ra bắt đầu quá trình lau dọn.
Lúc này tôi mới có thời gian ngắm cho kĩ căn nhà kiểu cũ nhưng trông khá thoải mái này.
Đây là khu tập thể xây từ thời những năm 80, nhìn ngoài thì tường gạch đỏ ngói xám, nhà nằm trên lầu 6, trên lầu là sân thượng. Nhà gồm 3 phòng ngủ và hai sảnh mở, vuông chằn chặn, cửa mở ra hai đầu nam bắc, trần cao, thông thoáng rộng rãi, đặc biệt là phòng khách mặt Nam, trông thẳng ra cảnh sắc sân trường bốn mùa tươi đẹp.
Tường trong nhà sơn trắng, chắc chỉ được trang hoàng đại khái đợt hồi xưa ông bà dọn về, trừ cánh cửa nhôm mấy năm trước gia cố thêm thì cả căn nhà không có gì hiện đại, nhất là đồ gia dụng đều khá là xưa. Tôi vừa bước vào, liền bị thu hút ngay trước những món đồ đẹp đẽ, dày dặn bên trong, không tài nào rời mắt.
Mỗi căn phòng ngủ trong nhà đều có kê bộ tủ, trong phòng sách là cả dãy giá sách chất cao ngất sát tường, toàn là sách mà thư viện cũng khó có. Chưng trên bàn là bản sách phục chế thời Gia Khánh của “Mộng Khê bút đàm”, bên giá để đồ cổ trong phòng khách có mấy món đồ gốm mộc, đều là gốm kiểu Tống, sắc gốm sáng mịn, nhã nhặn. Phòng ngủ chính còn có cả một cái giường khung gỗ chạm trổ, sắc gỗ và vẻ bóng sáng chỉ có ở gỗ hoa lê cổ. Ngoài chiếc giường thì những món đồ nho nhỏ bên trong, ví dụ như bàn kiểu cũ hoặc ghế quây dầu màu sắc bình thường nhưng vẫn đẹp nét cận đại, cổ kính.
Về sau tôi mới biết, trừ mấy món đồ cồng kềnh là đợt 1978 được trả về, đa số các thứ nhỏ nhỏ trong nhà đều là do ông nội cậu ấy tự thiết kế, rồi mời thợ thủ công làm ra. Ông đem phong cách phương Tây yêu thích thời trẻ đi du học hoà vào với thẩm mỹ cổ điển Trung Quốc, kết hợp thêm những trải nghiệm riêng của bản thân, tạo nên những món đồ dùng đơn giản, tiện dụng.
Lúc lau nhà, trong số đồ tôi bị mê một cái tủ xếp có thể di chuyển để bên cạnh sofa, chân cứ như dính lại. Tôi quăng cây lau sang bên, bắt đầu ngồi nghịch món đồ siêu lý thú này.
Cái tủ mỗi cạnh chỉ khoảng nửa mét, nhìn bên ngoài là một cái kệ ngăn kéo sáu tầng, có thể tuỳ ý điều chỉnh chiều cao cùng vị trí các bộ phận, còn có thể rút ra tấm phản nằm ngầm bên trong làm thành một cái bàn nhỏ dài một mét…
Tôi vui như phát hiện món Lego mới, ngồi bệt xuống chỉnh tới chỉnh lui, hờn không thể gỡ hẳn ra rồi ráp vào lại để coi cho rõ bí quyết. Đang lăn lộn toát mồ hôi thì tự nhiên nghe giọng Tưởng Dực bình bình nói từ sau lưng: “Cậu đang lau bàn hay là gỡ bàn?”
=========