Kim Tước lắc đầu, dáng vẻ từ chối cho ý kiến.
Đúng lúc này, có một người đưa thư đi vào, hai tay dâng một bức thư, báo cáo: “Bẩm đại nhân, triều đình gửi thư nhắc nhở, Bắc Châu có nội loạn.”
Kim Tước “ồ” một tiếng, cầm thư kiểm tra. Trong thư nói rằng Thương Kiến Hùng và Thương Triêu Tông đã xảy ra bất hòa nghiêm trọng, suýt chút nữa là binh mã Bắc Châu và Binh mã triều đình Yến quốc xung đột, quan hệ hai bên vô cùng căng thẳng. Ý của triều đình Hàn quốc là bên này có nên thừa cơ xuất binh hay không.
Đọc thư xong, Kim Tước đưa cho các tướng lĩnh khác xem, sau đó lên tiếng hỏi: “Mọi người thấy thế nào?”
Các vị tướng lĩnh có thể thấy thế nào đây? Mắt thấy Tống quân tùy ý hoành hành ở Yến quốc, bọn họ đã không nhịn được từ lâu rồi. Một vị tướng chắp tay nói: “Bẩm đại nhân, Tống quốc đã xuất binh, nếu bên ta cũng xuất binh thì Yến quốc nhất định tiêu đời, bên ta nhất định sẽ thắng lợi!”
“Đúng vậy, đại nhân, La Chiếu “cưỡi ngựa nhận đất” trong biên giới Yến quốc, hiện tại ai chiếm được là của người đó. Sau này muốn bảo người ta nhổ ra, chúng ta cũng không có lý do. Nên xuất binh đi thôi!”
Nghe hết ý kiến của mọi người, Kim Tước khoát tay: “Thiệu Đăng Vân không phải người đơn giản. Thời cơ chưa tới, cứ chờ đi. Thận trọng chút, vẫn nên thận trọng thì hơn.”
Đây cũng là ý kiến mà ông ta hồi âm cho triều đình.
Sau khi các tướng lĩnh ra khỏi lều của chủ soái, có người nói thầm với đồng sự, trút hết nỗi lòng bất mãn: “Lúc này không xuất bình thì đợi tới lúc nào? Lẽ nào phải chờ tới lúc hối hận vì cảm thấy chúng ta ít đi phần địa bàn cướp được từ tay Tống quân hay sao?”
“Haiz, ngươi còn không hiểu vị Đại Tư Mã này của chúng ta sao? Ông ta nổi danh là “Tư Mã thận trọng” đó!”
“Tư Mã thận trọng” là biệt danh mà mọi người vụng trộm gọi sau lưng Kim Tước.
Cái tên này không phải tự dưng mà có đâu, mà xuất phát từ câu cửa miệng của Kim Tước “thận trọng chút, vẫn nên thận trọng thì tốt hơn.”
Mặc dù vì nguyên nhân này mà Kim Tước bị người ta cười nhạo, nhưng ông ta làm vẫn thận trọng trong mọi việc, hiếm khi liều lĩnh, hành quân đánh giặc cũng vậy.
Người dưng cười nhạo thì cứ mặc cho họ cười nhạo, Kim Tước có thể leo đến vị trí ngày hôm nay chính là nhờ vào hai chữ “thận trọng” này.
Năm xưa, mặc dù ông ta từng bại mấy lần trong tay Mông Sơn Minh, nhưng dưới sự chỉ huy của ông ta, Hàn quốc tổn thất ít nhất, không như Đại đô đốc Triệu quốc chết trên tay Mông Sơn Minh và Triệu quốc liên tục thảm bại bởi Mông Sơn Minh.
Đối với Mông Sơn Minh mà nói, trong số những tướng lĩnh mà ông đã từng giao chiến, Kim Tước là kẻ khiến ông đau đầu nhất. Kim Tước có quan điểm “đóng vững đánh chắc”, “tiến bước nào, rào bước nấy”, không liều lĩnh, không mạo hiểm, tin tưởng rằng có sức mạnh sẽ giành được thắng lợi.
Đối với Mông Sơn Minh mà nói, Kim Tước là một khúc xương khó gặm. Đôi chân của ông tàn phế là do bị gãy lúc giao chiến với Hàn quốc, mà người chỉ huy Hàn quốc trong trận đánh đó chính là Kim Tước. Ở một mức độ nào đó, Mông Sơn Minh mất đi hai chân là do Kim Tước ban tặng.
Đương nhiên, trong trận chiến ấy, nếu không phải vì ông nóng lòng giải vậy cho Yến hoàng thì cũng không đến mức rơi vào kết cục như vậy.
Kim Tước thận trọng đến mức khiến người ta cười nhạo, nhưng lại tích lũy chiến công, từ từ leo lên vị trí ngày hôm nay. Hơn nữa, ông ta còn đánh cho Mông Sơn Minh tàn phế. Vì vậy, địa vị của vị Đại tư mã này cực kỳ vững chắc.
…
Bầu trời tối sầm, mưa càng lúc càng lớn.
Trong đêm mưa, một nhóm tướng lĩnh mặc chiến giáp, bên ngoài khoác áo tơi, đội nón lá đi ra ngoài tuần tra. Khi họ đi đến dưới mái hiên đình viện, có binh sĩ bước nhanh tới giúp họ cởi áo tơi và nón lá ra.
“Cái thời tiết chết tiệt này!” Có người mắng chửi trời cao.
Mọi người giậm chân bình bịch cho bùn đất dính trên chân rơi xuống, sau đó cũng không xỏ giày lại.
Tổng đốc đô phòng ngự trên sông Ô Quần Liệt là người đầu tiên cởi giày, những người khác cũng đành phải cởi giày theo.
Dưới mái hiên, ngọn đèn dầu đung đưa, chiếu rọi ba chữ to trên tấm biển trước cửa: “Trấn Giang Đường!”
Trong phòng treo đủ loại bản đồ lớn nhỏ khác nhau. Chỗ này là nơi quan trọng, liên quan đến việc quân cơ đô phòng ngự trên sông, người bình thường không được phép tiến vào.
Một đám đàn ông thô kệch cởi giày rồi đi vào trong. Ngay lập tức, mùi cá biển tràn vào phòng. Có người bịt mũi, mắng: “Lão Trần, bao lâu rồi ông chưa rửa chân vậy? Ngồi cạnh ông đúng là vận xui tám đời mà!”
Lão Trần lập tức mắng lại:
“Ông nghĩ là chân ông thơm lắm à? Yến quân vừa đến bờ sông, Đại Đô Đốc cứ như muốn đòi mạng vậy. Một ngày phải tuần tra đi tuần tra lại không biết bao nhiêu lần, thậm chí lúc ngủ cũng không được yên, làm gì còn thời gian rửa chân? Trong quân lại không cho dẫn theo nữ nhân hầu hạ.”
“Xem ra là lão Trần không có nữ nhân hầu hạ nên không rửa chân nha!” Tổng đốc đô phòng ngự trên sông Ô Quần Liệt ngồi lên ghế trên, sau đó cũng ôm chân mình ngửi một hơi rồi nói một câu như vậy.
Mọi người bật cười ha hả, nói giỡn ấy mà! Mọi người đều xuất thân từ quân ngũ, đã quen với mùi này rồi, không ai thực sự để ý cả.
Ô Quần Liệt bỏ chân xuống, chỉ vào lão Trần, nói: “Nghiêm chỉnh phục tùng mệnh lệnh đi, đợi Đại Đô Đốc đánh tan Yến quốc, ta sẽ thưởng cho ông mười tám mỹ nhân Yến quốc để hầu hạ ông rửa chân mỗi ngày.”
“Ách!” Lão Trần xua tay: “Mười tám mỹ nhân thì mạt tướng không cần. Nghe nói trong hoàng cung Yến quốc có không ít những phi tử xinh đẹp. Thưởng cho mạt tướng một vị phi tử của Thương Kiến Hùng, để mạt tướng nếm thử mùi vị là được rồi.”
“Cút đi! Phi tử của Thương Kiến Hùng đến lượt ông chắc?”
Một đám người lập tức nhao nhao mắng chửi.
Rầm! Ô Quần Liệt đạp bàn, ngăn mọi người tiếp tục ồn ào: “Nghe cho rõ đây! Chỉ cần mọi người có thể chóng đỡ sự tiến công của Mông Sơn Minh, ta sẽ làm chủ cho mọi người. Bên trên có đồng ý hay không ta không biết, nhưng ta khẳng định là sẽ thay các vị có mặt ở đây báo cáo công trạng, xin ban thưởng phi tử của Thương Kiến Hùng cho các vị. Thương Kiến Hùng có nhiều phi tử nên không thiếu phần của mấy người các vị đâu. Bên trên chọn xong, phần thưởng còn lại chắc là sẽ đến lượt chúng ta nhỉ? Đương nhiên, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải bảo vệ được đô phòng ngự trên sông, không để cho Yến quân đánh vào Đại Tống của chúng ta! Nếu đô phòng ngự trên sông thất thủ thì đừng nói đến phi tử của Thương Kiến Hùng, mà mọi người hãy nghĩ thử xem còn có thể bảo vệ thê thiếp nhà mình không bị kẻ khác chiếm mất hay không!”
Lão Trần: “Đại Đô Đốc quá lo lắng rồi! Sau khi quân ta đánh vào Yến quốc, chẳng phải là tàu thuyền của đối phương đã bị phá hủy rồi kéo sang bên này hay sao? Đối phương có nhiều binh mã như vậy, không có thuyền thì qua sông kiểu gì? Thuyền sang bên này chúng ta giết còn chưa đã đâu! Qua sông bằng bè gỗ đúng là chuyện cười, rõ ràng là bia sống mà!”
Mọi người nhao nhao đảm bảo, hùng hồn khẳng định là sẽ không để cho Yến quân công phá đô phòng ngự trên sông.
Ô Quần Liệt ra hiệu cho mọi người đừng có khinh thường, lại gọi mọi người đến đứng quanh bản đồ đô phòng ngự bên sông rồi thảo luận một phen, tiếp thu ý kiến hữu ích, bảo mọi người nghĩ xem còn có gì sơ sót hay không.
Sau khi bàn bạc xong xuôi, lúc tướng lĩnh rời đi, Ô Quần Liệt cảnh cáo lần nữa: “Không phải Đại Đô Đốc sợ đối phương đánh công khai, mà là sợ Mông Sơn Minh đánh lén, nhất là cần phải cẩn thận hơn vào ban đêm. Sau khi trở về, mọi người phải tuần tra các khu vực cẩn thận, không được tạo cơ hội cho địch thừa cơ đánh lén.”
Một vị tướng cười gượng: “Đại nhân à, ngài lo lắng quá rồi! Bây giờ mưa to gió lớn, nước sông chảy xiết và đột ngột dâng cao, căn bản là không thích hợp để qua sông. Mông Sơn Minh có bị ấm đầu mới chọn cách đánh lén!”
“Đúng đó! Ban đêm mưa to gió mạnh, giơ tay còn không thấy được được năm, đốt đèn lồng còn không soi được xa, tuần tra cũng không nhìn rõ đâu!”