Sự xuất hiện và rời đi của Bành Đông Viên đối với chúng tôi mà nói, cũng chỉ là một chuyện cỏn con xen giữa thôi.
Lần này chúng tôi ra ngoài chủ yếu là để đến nhà của một vài người già từng sống ở thôn Sáu Công Nông trước đây. Bọn họ hoặc là do chuyện vỡ ống nước mới dọn ra khỏi đấy, hoặc là đã sớm dọn ra khỏi đấy từ trước rồi, căn nhà ở thôn Sáu Công Nông đã cho người khác thuê lại, nhưng quyền tài sản thì vẫn nằm ở chỗ họ. Cho nên những việc liên quan đến giải toả di dời thì tự nhiên cũng sẽ phải tìm đến họ, mà không phải tìm người thuê nhà đang sống trong căn nhà ở thôn Sáu Công Nông ấy. Trong số đó có vài người tuổi đã cao nên cũng không thể bắt họ chạy đến uỷ ban nhân dân ở thôn Sáu Công Nông để điền đơn được. Còn về việc điền đơn trên mạng thì bọn họ lại không biết sử dụng máy vi tính, những nhân viên ở Phòng Di dời như chúng tôi đây chỉ đành chạy đi một chuyến thôi.
Trước khi đi thì tôi cũng có nghĩ đến rằng liệu trong số những người này có ai giống như Chủ nhiệm Chu biết được những chuyện liên quan đến đám người Thanh Diệp hay không. Và do họ biết được gì đó nên mới phải chuyển nhà ra khỏi thôn Sáu Công Nông. Nhưng sau khi đến thăm được khoảng hai người, tôi mới phát hiện tình trạng của họ cũng giống như chủ nhiệm Chu vậy, nhưng không phải là biết được những thông tin về đám người Thanh Diệp mà là sức khoẻ của họ không tốt, tuổi đã cao, hoa mắt, lãng tai, phản ứng chậm. Dù cho có người nhà ở kế bên để hướng dẫn nhưng cả quá trình điền đơn vẫn rất khó khăn.
Còn về người nhà của họ thì căn bản là cũng không cho tôi có cơ hội để nhắc đến đám người Thanh Diệp, bọn họ khá hứng thú với chính sách của việc giải toả di dời, còn hỏi thăm rất chi tiết kĩ càng, rồi lấy cả những việc giải toả di dời ở thành phố nào đó hoặc là tỉnh nào đó ra làm ví dụ, hỏi rằng bọn họ có thể lấy được tiền bồi thường nhiều giống như vậy không.
Về mặt này, những nhân viên trong Phòng Di dời đã sớm được huấn luyện rồi, vì thế mà ba người chúng tôi trả lời rất lưu loát.
Nói về cuộc khảo sát nguyện vọng, ngoại trừ phải điền đơn điều tra ra thì những cuộc trò chuyện như thế này cũng là một bước khá quan trọng trong công việc. Trước tiên phải giới thiệu chính sách giải toả di dời cho người đứng tên căn nhà, cùng người nhà của họ, rồi phân tích mặt lợi và mặt hại, như vậy thì sẽ có thể làm tốt công tác tư tưởng với họ trước, để cho những phương án bồi thường giải toả sau này có thể tiến hành một cách thuận lợi. Đồng thời đây cũng là dịp để cho những nhân viên Phòng Di dời như chúng tôi có thể nắm bắt được hết những thông tin của đối phương. Ngoại trừ trường hợp như ông Vương có yêu cầu đặc biệt ra thì phương án bồi thường là quan trọng nhất của việc giải toả, nếu nói theo kiểu bình dân thì cũng giống như kiểu trả giá khi mua đồ ở chợ, còn nói theo kiểu cao cấp thì chính là giống một cuộc đàm phán nơi thương trường. Những chính sách hay quy định, điều luật là một cái cấu trúc lớn những chi tiết cụ thể trong đó đều phải thương lượng ký càng hết… Nếu có thể đoán được tâm lý của đối phương, vậy thì lúc thương lượng sẽ dễ nắm quyền chủ động hơn. Và đương nhiên Phòng Di dời cũng có thể hoàn toàn làm việc theo chính sách mà cấp trên đưa ra, nên bồi thường bao nhiêu thì chỉ bồi thường bấy nhiêu thôi, nhưng nếu làm vậy thì mâu thuẫn sẽ càng lúc càng gay gắt. Ban đầu vốn chỉ là những chuyện có thể giải quyết được như là “Nhà họ Trương không cần tiền bồi thường mà muốn đổi sang một căn nhà tốt hướng nam, còn nhà họ Lý thì chỉ cần tiền bồi thường, không cần đổi sang căn nhà nào khác”, nhưng nếu như chỉ làm theo chính sách phía trên mà bồi thường thì những chuyện này rất có thể sẽ biến thành “Nhà họ Trương chê căn nhà mới không tốt, nhà họ Lý thì chê tiền bồi thường quá ít”, hai nhà đều không hài lòng với chính sách bồi thường giải toả, đến lúc đó Phòng Di dời sẽ khó tránh khỏi việc bị phê bình, chê trách.
Tôi tạm gác chuyện của đám người Thanh Diệp sang một bên, tập trung ứng phó với những người đó, mấy ngày này trôi qua rất mau.
Từ bây giờ trở đi, trong giờ làm việc sẽ không thể lười biếng được nữa, tôi chỉ có thể xem những tập hồ sơ của Thanh Diệp vào cuối tuần.
…
Mã số sự kiện: 015
Tên sự kiện: Nhiễm trùng đường tiết niệu
Người uỷ thác: Võ Văn Phương
Giới tính: Nữ
Tuổi: 25
Nghề nghiệp: Nhân viên văn phòng
Quan hệ gia đình: Bố mẹ
Địa chỉ liên lạc: Phòng xxx, số nhà xxx, thôn Trường Hải Tân, thành phố Dân Khánh.
Điện thoại liên lạc: 139xxxxxxxx
Diễn biến sự kiện:
Ngày 3 tháng 9 năm 2002, Võ Văn Phương đến Phòng Nghiên cứu Hiện tượng Quái dị Thanh Diệp. Kèm file ghi âm 01520020903.wav.
“Chào cô Võ, mời cô kể lại chi tiết những chuyện mà cô gặp phải cho chúng tôi.”
“Vâng… Chuyện này xảy ra vào khoảng hơn hai tháng trước. Hơn hai tháng trước, mẹ tôi bỗng nhiên ngã bệnh, triệu chứng rất giống với bị nhiễm trùng đường tiết niệu, có cảm giác thường xuyên muốn đi vệ sinh nhưng thực chất là không thể tiểu ra được gì cả. Bà ấy có đến bệnh viện để kiểm tra, tôi đi cùng bà ấy, nhưng cũng không có kiểm tra ra là bị nhiễm trùng. Bác sĩ có kê thuốc rồi dặn dò những việc cần chú ý. Sau khi uống hết thuốc rồi mà bệnh tình của bà ấy vẫn không thấy chuyển biến tốt, vẫn như cũ, thường xuyên phải đi nhà vệ sinh. Tôi lại cùng bà ấy đi đến bệnh viện một lần nữa để làm một cái kiểm tra toàn diện hơn, nhưng mà vẫn là kết quả như thế. Có truyền nước muối, rồi bác sĩ cũng có kê thuốc nữa, nhưng rồi lại tiếp tục… Khoảng nửa tháng sau, tình trạng của mẹ tôi không những không có chuyển biến tốt mà còn trở nên tệ hơn, trong một lần đi vệ sinh thì bị tiểu ra máu. Chúng tôi thấy cứ tiếp tục như vậy cũng không ổn, bèn chuyển sang khám ở bệnh viện khác, bác sĩ yêu cầu mẹ tôi phải nằm viện để quan sát một thời gian đã. Thái độ đó của ông ấy… Tôi cảm thấy thái độ đó của ông ấy là nghi ngờ chúng tôi không làm theo lời dặn của bác sĩ, đã làm sai gì đó ở nhà. Nhưng mà chúng tôi thật sự đã hoàn toàn làm theo lời dặn của bác sĩ mà, bác sĩ dặn không được ăn món nào thì mẹ tôi cũng không ăn món đó, bác sĩ dặn phải nghỉ ngơi nhiều thì mẹ tôi cũng nghỉ ngơi nhiều, việc uống thuốc cũng luôn tuân theo lời dặn của bác sĩ.”
“Sau khi nằm viện có phát hiện được gì không?”
“Không có. Sau khi nằm viện khoảng ba bốn ngày, tình trạng của mẹ tôi vẫn như vậy, ngoài ra còn hay bị đi tiểu ra máu. Bác sĩ cũng đề nghị chúng tôi nên chuyển sang bệnh viện khác, chuyển sang bệnh viện chuyên về tiết niệu để tiến hành chữa trị. Mấy ngày gần đó tôi cũng có hỏi thăm mọi người, định tìm cho mẹ một bệnh viện tốt hơn, nhưng mà… Hu hu… Nhưng mà nằm viện được khoảng một tuần… Lúc đó mẹ tôi đi vệ sinh nhưng mãi vẫn chưa thấy quay về. Tôi ngồi đợi một lúc lâu sau, cảm thấy không ổn lắm, liền đi đến nhà vệ sinh để xem thử… Ngay trước cửa nhà vệ sinh có rất nhiều người, những người đó đứng xung quanh đấy… Trong nhà vệ sinh có nhân viên lao công, còn có bác sĩ và y tá, bọn họ đang kéo cửa… Tôi nhìn thấy chỗ khe cửa… chỗ khe cửa có một cái tay thò ra, còn nhìn thấy một cái đầu… Tôi… Tôi lúc đó xông thẳng vào nhà vệ sinh tìm mẹ tôi, nhưng mà những buồng vệ sinh kế bên đều không có ai cả, mẹ tôi cũng không ở bên ngoài… Hu hu…”
“Cô Võ, cô hãy nén đau thương.”
“Ừm… Mẹ tôi, người ở bên trong đó chính là mẹ tôi… Hai bác sĩ hợp sức kéo mở cánh cửa đó ra, mẹ tôi đang nằm dưới đất… Chắc có lẽ lúc bà ấy đang đi vệ sinh thì… Tôi không thể chấp nhận được chuyện này. Bà ấy chỉ bị nhiễm trùng đường tiết niệu thôi mà, lại chưa phát triển thành ung thư thận hay ung thư bàng quang, tại sao lại đột nhiên… Chúng tôi đã làm các loại kiểm tra rồi, các anh có thể nói bác sĩ không có bản lĩnh để trị liệu, nhưng mà kiểm tra và báo cáo đều là máy móc làm, thì làm sao có thể xảy ra sai sót được chứ? Tôi không thể chấp nhận được, người nhà tôi cũng không thể chấp nhận được… Chúng tôi đã tìm đến cơ quan pháp y để tiến hành kiểm tra thi thể…”
“Vậy kết quả kiểm tra như thế nào?”
“Kết quả là do xuất huyết quá nhiều… Nội tạng xuất huyết… Trong cơ thể của mẹ tôi, toàn bộ… Toàn bộ nội tạng đều vỡ hết rồi… Không chỉ là thận, bàng quang, mà những nội tạng khác cũng vỡ hết. Nhưng điều kì lạ là không hề có ngoại thương nào cả… Người pháp y kiểm tra thi thể mẹ tôi có nói với tôi, chuyện này rất kì lạ. Trước đó bà ấy cũng không hề cảm thấy đau đớn gì cả, chỉ có triệu chứng như là bị nhiễm trùng đường tiết niệu thôi, thân thể không thấy đau, cũng không có vết trầy hay vết thương nào cả. Nhưng mà tình trạng của bà ấy lại trông giống như những người chết vì tai nạn giao thông vậy…”
“Mẹ cô từng bị tai nạn giao thông sao?”
“… Không. Theo như những gì tôi nhớ thì là không có. Tôi hoàn toàn không nhớ được… Sau đó thì đến lượt cha tôi bị. Sau khi chôn cất cho mẹ tôi xong, khoảng một tháng trước, cha của tôi cũng xuất hiện những triệu chứng như vậy… Ông ấy cũng vậy, cứ có cảm giác muốn đi vệ sinh nhưng lại không tiểu ra được gì. Đến bệnh viện để khám, kết quả không có bị viêm nhiễm, chụp X quang cũng không thấy có gì bất thường cả. Chúng tôi nghĩ đến chuyện của mẹ tôi, nói với bác sĩ, sau đó còn có nhờ người pháp y đó giúp đỡ, chúng tôi còn đem cả báo cáo kiểm tra thi thể cho bác sĩ xem, cuối cùng cũng có một bệnh viện chịu nhận ca bệnh này, tiến hành phẫu thuật cho cha tôi… Cha tôi… Cha tôi không quay trở về được nữa rồi… Ông ấy… Ông ấy chết ngay trên bàn mổ, là bị… là bị xuất huyết trong… Bác sĩ, bác sĩ mổ chính, còn có y tá, bọn họ đều nói là vừa mới mổ bụng cha tôi ra thì máu, máu liền tuôn ra liên tục… Tuôn ra ào ào… Sau đó thì… Tôi cũng không tin, thật sự tôi không muốn tin… Tôi cảm thấy là do bác sĩ có vấn đề, một là có vấn đề ở khâu khám chữa, hai là có vấn đề ở khâu phẫu thuật… Nhưng khi điều tra ra thì kết quả là như vậy… Trước khi cha tôi bị đẩy vào phòng phẫu thuật thì mọi thứ đều rất bình thường, nhưng bọn họ vừa mổ ra thì liền…”
“Có từng làm kiểm tra bàng quang và đường tiết niệu cho cha cô không?”
“Đều đã kiểm tra qua rồi. Sau đó có tiến hành giải phẫu xác, kiểm tra rồi, những nội tạng trong người đều vỡ hết, giống y như tình trạng của mẹ tôi. Còn bây giờ thì… Đến lượt tôi rồi…”