“Chuyện này, chuyện này lẽ ra tôi không nên nói ra…”
“Giám đốc Hách, xin ông cứ yên tâm. Khi viết bài chúng tôi sẽ không tiết lộ thân phận thật sự của ông.”
“Ồ…”
“Mời ông nói.”
“Ừ… Là tôi nghe được từ mấy người cấp dưới. Năm 1997, khởi công xây dựng, nhưng vào năm 1995 thì đội II chúng tôi đã bắt đầu công tác chuẩn bị, bắt đầu từ việc đấu thầu dự án, tới chuẩn bị các nguyên vật liệu xây dựng công trình, điều phối nhân lực, thăm dò hiện trường thi công… Ngay từ đầu, tôi đã theo sát dự án, nhưng mới đầu, tôi không phải là quản lý, khi đó, tôi chỉ là một thư ký nhỏ, bây giờ gọi là trợ lý đó, chỉ là chân chạy vặt, làm tạp vụ cho lãnh đạo cấp trên mà thôi, cái gì cũng làm, cái gì cũng phải biết một chút. Tôi có đi thăm dò hiện trường một lần. Lần đó tôi có cảm giác rất kỳ lạ…. Khu Hầm Sắt cũ, có lẽ là khu dân cư đầu tiên ở thành phố Dân Khánh này, tôi cũng không có tìm hiểu. Nhưng mà nhà cửa ở khu đó khác với những nơi khác, không phải loại khu dân cư bây giờ, cũng không giống với những khu ổ chuột… Nó là khu dân cư được cải tạo xây dựng từ đất nông nghiệp, những người sống ở đây, một bộ phận là nông dân trước kia bị thu hồi đất, một bộ phận là công nhân viên ở công xưởng cũ bên cạnh. Có điều là, khi công xưởng cũ đó ngừng hoạt động, đóng cửa, thì người ta cũng dọn đi, nhà bỏ trống ở đó. Sau đó nhà máy kia cũng bị giải tỏa, cho đội II chúng tôi giải tỏa, nhưng tôi không có tham dự vào.”
“Vâng. Khi tham gia thăm dò hiện trường, ông có phát hiện được tình hình gì không? Lúc nãy ông nói, ông cảm thấy khu Hầm Sắt cũ rất kỳ lạ?”
“Đúng vậy, rất kỳ lạ, chính là… nói sao nhỉ… vô cùng tối tăm. Đa phần là những căn nhà có 3 tầng, 3 tầng với 4 tầng khá nhiều, 5 tầng thì có mấy căn lẻ tẻ rời rạc với nhau, tổng cộng khoảng hơn 30ha là hơn 50 căn gì đó. Khoảng cách giữa các tòa nhà rất nhỏ. Có thể là do vậy mà ánh sáng không tốt. Ngẩng đâu lên là thấy toàn giá phơi đồ, không có khe hở. Cảm giác rất bức bí. Đường xá ở khu đó cũng không được đẹp, có một số đoạn xuất hiện ổ gà, trũng xuống, mà cũng không có ai quan tâm tới. Đường ống thoát nước thì bị nghẹt, nước thải hôi thối tràn lên nắp cống… Lối thoát nước của những ngôi nhà đó, một số thì đi theo đường cống chảy dưới lòng đất; một số khác thì khoét lỗ trên tường, cho nước chảy thẳng từ lầu 2, lầu 3 xuống dưới, khiến cho bờ tường loang lổ hoen ố, mọc đầy rong rêu nấm mốc; còn có nhà thì nối ống nước ra bên ngoài, ống nước nối từ tầng trên xuống dưới đất, bờ tường bên ngoài dán với mặt đất, có một máng xối nối với đường ống thoát nước. Ở đó toàn là nước hôi thối. Lúc chúng tôi đi khảo sát, thì cũng có kiểm tra đường ống nước, lúc thi công cũng có tiến hành nạo vét, dọn sạch rác rưởi, sửa lại đường ống cống, tốn rất nhiều công sức.”
“Theo như lời ông nói thì là do thiết kế xây dựng không hợp lý, thêm vào đó là môi trường xung quanh dơ bẩn lộn xộn cho nên khiến người khác cảm thấy bức bối ức chế trong lòng, phải vậy không?
“… Hừm, tôi cũng không biết. Cách nói này tôi hiểu, rất hợp lý. Nhưng tôi lại cảm thấy không chỉ vậy… Lúc thăm dò hiện trường tôi chỉ cảm thấy hơi khó chịu mà thôi. Sau đó chính phủ giải tỏa xong, người dân nơi đó dần dần chuyển đi nơi khác, đội thi công xây dựng chúng tôi vào ở, dựng một căn nhà bằng ván đơn giản, mang các loại xe xây dựng vào… Khi ấy tôi cũng có mặt ở đó. Có một số người dân vẫn chưa chuyển đi tụ tập vây xem, họ… họ hỏi chúng tôi một cách kỳ lạ rằng, giải tỏa rồi xây lại nhà mới như vậy thì có phải sẽ đào hết mấy thứ dưới đất lên không. Chuyện này là đương nhiên, cũng không có gì phải giấu giếm cả. Lúc này họ lại càng kỳ lạ hơn… họ xì xầm bàn tán sau lưng các anh em trong đội thi công. Tôi cũng không biết nên nói sao với các cậu về chuyện này… Giống như là, có người đang nói xấu sau lưng cô vậy đó, nhưng cô lại đang ở trong một căn phòng, bọn họ cứ thế nói xấu sau lưng cô. Bản thân tôi là người cởi mở, thích kết bạn. Cho nên tôi tìm gặp người dân ở đó hỏi thăm vài câu. Lúc đầu anh ta không chịu nói, giả ngu với tôi, sau đó hút được vài điếu thuốc thì bắt đầu nói.”
“Ông ta nói với ông những gì?”
“Ông ta nói dưới đất có chôn thứ gì đó. Không phải là thi thể như các cô hỏi, mà là văn vật.”
“Văn vật?”
“Lúc nãy không phải tôi có nói khu Hầm Sắt cũ lúc mới đầu là đất nông nghiệp sao? Được cải tạo xây dựng từ đất nông nghiệp. Lần cải tạo đó, phải đào xới lên, làm móng thì phát hiện lớp đất phía dưới có vấn đề. Khu đó được gọi là khu Hầm Sắt cũ vì dưới đất có một đường hầm bằng sắt, đào lên được di tích đường hầm thời cổ đại. Không biết ngày trước dùng để làm gì. Còn đào được một vài mảnh vụn của các vật dụng bằng sắt ở trong đường hầm đó. Sau đó xây nhà lên, nhưng lại xây vô cùng bừa bãi lộn xộn, nghe bảo là có mời vị đại sư nào đó đến xem, hình như là đại sư của núi Phổ Thế, ông ấy tính toán, bảo là nhà phải xây theo trận pháp gì đó, phải giữ lại cái đường hầm bằng sắt ở giữa, rồi không được để người bình thường biết được. Con đường đó chính là đường Hoàng Tuyền.”
“Ý ông là trong quá trình thi công xây dựng, có đào được một di tích, là đường Hoàng Tuyền được xây dựng vào thời cổ đại, bên trong còn lưu lại nhiều mảnh vụn của các vật dụng bằng sắt?”
“Đúng đúng. Thật xin lỗi, tôi nói hơi lộn xộn. Bên trong còn rất nhiều chuyện khác nữa. Những chuyên gia khảo cổ cũng được mời tới, nhưng không làm rõ được. Họ nghiên cứu, công trình tạm ngừng hoạt động để cho họ nghiên cứu. Sau đó tôi hiếu kỳ, tìm người trong đội để hỏi. Công trình đó giữa chừng bị gián đoạn một thời gian dài, không ai rõ có chuyện gì đang xảy ra. Có người nói là xảy ra sự cố, lúc đóng cột chịu lực đã gây chết người, bị cấp trên cho người xuống điều tra; cũng có người nói là trong đội thi công xảy ra án mạng, cảnh sát đang điều tra vụ án cho nên phong tỏa hiện trường thi công. Người đàn ông đó, cái người mà kể cho tôi nghe đó, bảo là khi ấy đội khảo cổ tới nghiên cứu, đi ra đi vào trong đường hầm, còn đào dọc theo đường hầm đó nữa. Có một sinh viên đại học, thời đó cả nước chỉ có vài sinh viên đại học thôi. Buổi tối tách ra khỏi nhóm, tự mình bị mê hoặc rồi cứ đi thẳng theo con đường đó. Mọi người phát hiện mất tích, nên đi tìm, nhưng không có cách nào tìm được, đến cuối con đường hầm đào lên khi đó, cũng chính là ngõ chết, nhìn thấy những dụng cụ cậu ta mang theo. Sau đó tìm kiếm khắp nơi, còn báo cả cảnh sát nữa, nhưng tìm tới tìm lui vẫn không tìm ra được. Nguồn gốc của con đường hầm và những vật bằng sắt kia, tôi cũng không rõ, bọn họ bàn bạc thảo luận một thời gian, rồi cảm thấy chắc đây không phải là văn vật, con đường này không có giá trị gì, cũng có thể là do cấp trên yêu cầu phải tiếp tục thi công cho nên đoàn khảo cổ đó giải tán, đội thi công tiếp tục thi công. Sau đó lại xảy ra chuyện kỳ lạ. Hai bên con đường hầm, hai đoạn bờ tường bằng đất, dùng bất cứ thứ gì cũng đào không lên, đập không vỡ. Sau đó lại có công nhân mất tích ở trong đường hầm đó. Sau khi liên tiếp mấy vụ kỳ lạ xảy ra, cấp trên muốn mời người tới xem thử, nên đã mời một vị sư phụ trên núi Phổ Thế. Vị đại sư đó xem cái đường hầm và những món đồ bằng sắt kia rồi nói là đường Hoàng Tuyền, phải lấp đi, tránh đi vào con đường đó, thi công công trình phải tránh con đường đó ra, sau này ai đi ở bên trên cũng không được đi theo con đường từ đầu tới cuối, cho nên nhà của của Khu Hầm Sắt cũ bị xây thành như vậy đó.”
“Những lời này nghe như một câu chuyện, không có bằng chứng gì có thể chứng minh được những chuyện trong đó.”
“Cũng không nói như vậy được…”
“Trong quá trình thi công, đội dự án của ông có gặp phải những chuyện như vậy không?”
“Cái này à… Lúc nãy tôi có nói tới đường ống thoát nước… Khi chúng tôi đào đất lên để nạo vét đường ống thoát nước thì nhìn thấy một đoạn hệ thống thoát nước. Cái ống nước, tức là cái ống nước bẩn trong đường ống, nhưng hai đầu không được nối lại với nhau, chỉ chôn không ở dưới đất vậy thôi, hơn nữa không chỉ một ống mà là mấy ống liền nhau. Tôi nhớ khi đó có một anh tiểu đội trưởng, họ Lưu, lúc ngồi nhậu với tôi, anh ấy còn chửi cái đám đặt ống nước là não có vấn đề. Chính anh ấy là người chỉ huy đào cái ống nước này lên. Chưa đợi đến khi hoàn thành dự án, chắc khoảng một hai tuần sau khi đào ống nước kia lên thì anh Lưu chết. Bác sĩ nói là bị xuất huyết não, trong não ông ấy có một mạch máu… bị vỡ.”